4/10/2020 1:31:00 PM
.

Chuyện chưa kể về cà phê mật ong Di Linh


(Lâm Đồng Online) Nông dân Trịnh Tấn Vinh ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh đã “kết tủa” thành công hương vị mật ong trong từng hạt cà phê sản xuất bền vững, đồng thời chế biến những dòng sản phẩm cà phê bột với thương hiệu Thuần Trịnh, đem đến cảm nhận khác biệt đối với người thưởng thức trong và ngoài nước...

Chủ nhân Trịnh Tấn Vinh bên gốc cà phê phủ xanh cây cỏ lá đậu bảo vệ bền vững môi trường

Đang trong “thời điểm vàng” đầu tháng 4 “cách ly xã hội” để hạn chế tối đa mức độ lây nhiễm dịch COVID-19 ra cộng đồng, người sành điệu cà phê có thể ngồi tại nhà truy cập lazada, một trong những trang mạng bán hàng trực tuyến hàng đầu Việt Nam để đặt lệnh mua các dòng Cà phê bột Robusta mật ong Thuần Trịnh gói 500 gam với giá 500.000 đồng/kg; Cà phê bột Robusta Mộc Thuần Trịnh gói 250 gam với giá 200.000 đồng/kg... Tiếp tục truy cập, từng sản phẩm hiển thị tương ứng những thông tin: “Thuần Trịnh là thương hiệu Cà phê Robusta cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng, sản xuất hữu cơ từ năm 2008 đến nay, 100% nguyên chất, hương mật ong, không pha tẩm. Thuần Trịnh Cà phê được sự chia sẻ của nhiều nhà khoa học như: Nguyễn Lân Hùng, Đỗ Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thanh Thủy... Cuối năm 2019, Thuần Trịnh Cà phê vinh dự được chọn 1 trong 2 nhà vườn trong cả nước tham gia hội nghị Contract Farming tại Thái Lan…”.

Theo dòng địa chỉ ghi trên bao bì sản phẩm Cà phê Robusta Thuần Trịnh, phóng viên về xã Đinh Lạc, huyện Di Linh đặt chân đến khu vườn cà phê mật ong của chủ nhân Trịnh Tấn Vinh, tọa lạc bên Quốc lộ 20, khu vực Tân Phú 2. “Đây là toàn bộ 1 ha diện tích cà phê robusta hơn 25 năm tuổi của hộ gia đình chúng tôi với trên 1.000 cây đã hoàn thành ghép cải tạo, vụ mùa vừa rồi đã thu hoạch được 3 tấn nhân, trong đó tỷ lệ cà phê mật ong chiếm khoảng 35-40%...”, nông gia Trịnh Tấn Vinh khái quát. Xong ông đưa phóng viên tham quan vườn tược ba tầng xanh ngát: cây ăn trái che bóng trên cao, cây cà phê kinh doanh chính giữa và dưới mặt đất là cây cỏ lá đậu (lạc). Lúc này là đầu tháng 4, nắng nóng, ông Vinh đếm ở tầng cao nhất gồm 40 cây sầu riêng 15 năm tuổi, sản lượng năm ngoái khoảng 200 kg/cây và 150 cây mắc ca đang tuổi thứ 4 vào kỳ đậu trái bói từng chùm trên cành. Tầng giữa cà phê robusta đã thu hoạch 3 tấn nhân niên vụ vừa rồi. Còn tầng mặt đất với cây cỏ lá đậu đang trong giai đoạn “ngủ hè”, chuẩn bị tái sinh tự nhiên khi mùa mưa đến...

Ngồi xuống bên một gốc cây cà phê còn phủ dày thảm cỏ lá đậu, ông Vinh chia sẻ với phóng viên rằng, vài ngày tới đây, hộ gia đình ông cắt hết những phần lá cỏ họ đậu còn lại trong vườn để ủ trộn cùng với vỏ cà phê chừng nửa năm sau trở thành phân hữu cơ hoai mục, đưa bón trở lại vào vườn cây. Tính đến nay là năm thứ 13, cây cỏ lá đậu định canh đã góp phần tích cực bảo vệ môi trường bền vững cho diện tích 1 ha cà phê của hộ gia đình ông Trịnh Tấn Vinh. Việc trồng cây cỏ lá đậu bắt đầu từ năm 2008 khi ông Vinh được chọn 1 trong gần 50 nông dân Lâm Đồng tham gia học kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững do một dự án đến từ châu Âu tổ chức. Qua lớp học năm đầu, ông Vinh đã liên hệ với một nhà khoa học cung cấp khoảng hơn chục bó cây cỏ lá đậu về giâm trồng thử nghiệm trên diện tích 100 m2 dưới gốc cà phê trong vườn. Một năm sau theo dõi sinh trưởng tự nhiên, khu vực đất trồng cây cỏ lá đậu tơi xốp hơn hẳn, giun và các loại vi sinh vật có lợi sinh sôi; cây cà phê thì xanh tốt rõ rệt, sâu bệnh gây hại giảm hẳn. Kiểm tra lại nhật ký sản xuất trong năm thì khu vực trồng cây cỏ lá đậu đều bón phân hữu cơ thay phân vô cơ, đặc biệt đã hạn chế đến mức tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trả lại môi trường trong lành. Mặc dù so với năng suất sản xuất thông thường cùng kỳ năm trước giảm xuống đến 30%, nhưng bù lại hiệu quả lớn hơn đối với sản xuất hữu cơ đã thu hoạch tỷ lệ cà phê chín tự nhiên, đạt chất lượng cao từ 35-40% sản lượng, cao hơn năm trước đó khoảng 20%, bảo đảm môi trường bền vững và bảo vệ an toàn sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất. Bởi vậy, đến năm 2010, hộ gia đình ông Vinh quyết định nhân rộng phủ xanh 1 ha cây cỏ lá đậu dưới gốc cây cà phê bằng phương pháp giâm cành thủ công.

“Năm 2016, một tiến sĩ nông học Việt kiều Đức đến thăm vườn cà phê của gia đình tôi và dùng tay hái từng trái chín xuống, bóc hết lớp vỏ ngoài, lộ ra phần vỏ lụa hạt nhân tỏa lên mùi thơm mật ong. Sau đó người tiến sĩ này đã tận tình chuyển giao cho gia đình tôi toàn bộ quy trình thu hoạch, sơ chế và chế biến cà phê nhân, cà phê bột mật ong đưa ra thị trường...”, ông Vinh kể.

Cà phê robusta hữu cơ Thuần Trịnh ở xã Đinh Lạc, Di Linh tỏa hương mật ong sau khi phơi liên tục dưới ánh nắng mặt trời.

Rồi ông Vinh đưa phóng viên xem cận cảnh các giàn phơi hạt nhân cà phê cách ly mặt đất trên dưới 2 m, bên trên lợp kín ni lông để giữ nhiệt độ ánh sáng mặt trời hàng ngày sấy khô thơm đượm hương mật ong. Dùng tay chọn hái từng trái cà phê chín đỏ trên cành rồi rửa sạch, phân loại lại một lần nữa trước khi đưa vào máy xay lấy hạt nhân còn kết dính một lớp vỏ lụa trắng sữa. Phơi hạt nhân trên giàn ni lông từ 10-12 nắng, mỗi nắng kéo dài từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều mỗi ngày là đạt yêu cầu chất lượng rang xay thành bột cà phê mật ong. Tỷ lệ rang xay cà phê mật ong 1 kg hạt nhân thành 700 gam cà phê bột…

Cầm lên một ly cà phê mật ong Thuần Trịnh pha phin từ chủ nhân, phóng viên thưởng thức từng ngụm một, đầu tiên cảm nhận mùi hương đăng đắng, thơm lừng. Nhâm nhi hết giọt cà phê cuối cùng, đọng lại dư vị ngọt thanh của những giọt mật ong xứ cà phê cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng. Phóng viên đặt vấn đề về triển vọng cà phê mật ong Thuần Trịnh, chủ nhân Trịnh Tấn Vinh nhìn nhận chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu. Bởi với sản lượng mỗi năm trung bình 3 tấn nhân/ha cà phê hữu cơ hiện có, thương hiệu cà phê Thuần Trịnh chế biến sản phẩm cà phê bột mật ong và cà phê mộc hữu cơ mới chiếm tỷ lệ chế biến chưa tới 2 tấn nhân; còn lại hơn 1 tấn nhân phải bán cho thương lái với giá cà phê sản xuất theo biện pháp thông thường. Trong khi đó việc nhân rộng mô hình cà phê mật ong Thuần Trịnh vẫn còn hạn chế. Mãi đến nay có 5 hộ chuyên canh cà phê (từ 1-2 ha/hộ) quanh vùng đến vườn cà phê ông Vinh để được cung cấp nguồn giống cỏ lá đậu và nắm bắt toàn bộ quy trình sản xuất cà phê hữu cơ về áp dụng mới 2 năm vừa qua, nên hiệu quả gắn sản xuất với chế biến và thị trường cạnh tranh vẫn đang còn ở phía trước…

Phóng viên chia sẻ những trăn trở của ông Trịnh Tấn Vinh, một nhà nông tâm huyết với cây cà phê robusta hữu cơ mật ong của vùng cao nguyên Di Linh nói riêng, Lâm Đồng nói chung. Thiết nghĩ những trăn trở còn lại của ông Vinh vừa nêu cũng chính là những hạn chế, khó khăn về mở rộng vùng nguyên liệu cà phê mật ong hữu cơ robusta gắn với việc xây dựng thị trường cần sớm được tháo gỡ bởi các giải pháp phù hợp hơn, hiệu quả hơn và đồng bộ hơn từ phía cơ quan nhà nước chuyên trách của tỉnh Lâm Đồng...

Ghi chép: VĂN VIỆT

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,615,895.00