2/17/2021 9:25:00 AM
.

Chuyện tình yêu và thương hiệu Zanya cà phê


(Lâm Đồng Online) Bắt đầu từ câu chuyện tình yêu của một chàng trai đến từ đất nước Slovakia và cô gái người Lạch dưới chân núi Langbiang mà thương hiệu Zanya cà phê đã ra đời.


Tình yêu đã bắt đầu cho một đám cưới truyền thống giữa Marian và Krajăn Lim

Tình yêu

Marian Jakac (35 tuổi) và Krajăn Lim (25 tuổi), chàng trai người Slovakia và cô gái người dân tộc Lạch ở thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) đã viết nên câu chuyện tình đẹp mà nhiều người ở vùng đất Langbiang đã không còn xa lạ gì.

Krajăn Lim sinh ra trong một gia đình thuần nông ở tổ dân phố Bon Dong 2, thị trấn Lạc Dương. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Lim ở nhà phụ ba mẹ chuyện trồng cà phê trên rẫy. Krajăn Lim có hứng thú đặc biệt với tiếng Anh, bởi vậy cô bé thường xuyên nghe nhạc, xem phim tiếng Anh. Nhưng có lẽ chừng ấy là chưa đủ, Krajăn Lim đã tìm tới các trang web kết nối học tiếng Anh trực tiếp với người bản địa. Còn Marian - một kỹ sư công nghệ thông tin thời điểm đó cũng qua du lịch ở Nha Trang. Tại đây anh dạy tiếng Anh online để kiếm thêm thu nhập. Và anh đã gặp cô học trò Lim. Sau quá trình dạy học, phần vì ấn tượng với sự ngây thơ của cô học trò nhỏ, phần vì ấn tượng bởi tấm hình người con gái có đôi mắt sắc sảo mà sợi dây tình cảm vô hình đã lớn dần trong lòng chàng trai Slovakia. Chính cái tình cảm mơ hồ ấy đã dẫn anh lên vùng đất nơi Lim đang sống. Để rồi cô gái của núi rừng xinh đẹp, buôn làng tràn trề sức sống cùng núi đồi, thông xanh và những rẫy cà phê trĩu quả đang vào mùa chín đỏ đã để lại ấn tượng sâu đậm với Marian.

Tình yêu và cà phê là hai sợi dây gắn kết Marian và Krajăn Lim
  Marian bảo rằng, tình yêu có lẽ là điều mang lại động lực lớn nhất để anh quyết định hoàn tất các thủ tục và có thể định cư ở Việt Nam lâu dài. Và cũng bởi tình yêu này mà người con gái xinh đẹp Krajăn Lim đã mạnh dạn chối từ nhiều cuộc hôn nhân do mai mối trong buôn làng như truyền thống. Ban đầu, họ quyết định sống ở Nha Trang, nơi có biển và những bãi cát vàng, nơi khí hậu ấm áp như Marian từng yêu thích. Tại đây, Marian học về cách rang xay và chế biến cà phê - thức uống tuyệt vời mà đất nước anh hoàn toàn phải nhập khẩu. Marian yêu nắng và biển, nhưng có lẽ chỉ ở núi rừng, giữa buôn làng, Lim mới thực sự là chính cô. Thời gian ở Nha Trang đã cho Marian nền kiến thức cơ bản về chế biến cà phê nhưng phải đến khi quyết định về sống ở quê hương của KraJăn Lim, được tận hưởng ly cà phê của mảnh đất này, Marian mới càng vững tin hơn vào quyết định của mình mà gắn bó với cà phê. Cuối năm 2018, một đám cưới truyền thống của người Lạch giữa Lim và Marian đã diễn ra trong sự chúc phúc của họ hàng và cả buôn làng.

Marian và Krajăn Lim đã áp dụng sản xuất cà phê hữu cơ từ chính rẫy cà phê của gia đình

Cà phê


Từ vốn kiến thức học được về cà phê ở Nha Trang, cùng với việc mày mò tự học trên các trang cà phê uy tín thế giới, Lim và Marian đã bắt tay vào gây dựng cuộc sống của họ với cà phê từ chính rẫy cà phê của gia đình.

Vụ mùa năm 2018, sau khi thuyết phục thành công các thành viên trong gia đình, rẫy cà phê của cha mẹ Lim lần đầu tiên được hái và lựa quả chín mọng 100%. Bởi theo Marian, hạt cà phê xanh hay việc phân loại lỗi là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Trái cà phê tươi sau khi tuyển chọn tiếp tục được rửa sạch, vớt bỏ những quả nổi trên nước và bắt đầu sơ chế. Cà phê của Lim và Marian chủ yếu là Arabica sơ chế bằng ba dạng chính gồm: sơ chế mật ong (honey), sơ chế ướt (wash) và phơi tự nhiên (natural). Nếu như hai phương pháp sơ chế ướt là rửa sạch rồi phơi khô và phương pháp sơ chế natural là để cà phê khô tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời, thì sơ chế honey nằm giữa hai phương pháp cơ bản đó. Nghĩa là khi mà vỏ quả được loại bỏ, nhưng vẫn giữ lại một phần thịt quả và chất nhầy lúc cà phê ở trên giàn phơi.

Để đảm bảo cà phê được phơi đạt chất lượng, Lim và Marian đã xây dựng trong sân nhà hệ thống nhà kính có các cửa di động và giàn phơi để đảm bảo cà phê sạch. Trong nhà kính được trang bị các máy đo nhiệt độ, độ ẩm để có sự điều chỉnh hệ thống cửa và quạt gió, nhằm đảm bảo cà phê được phơi trong nhiệt độ đảm bảo nhất. Thành quả của năm 2018 là gần 2 tấn cà phê hạt chất lượng. Lim và Marian đã dành hơn một nửa trong số đó gửi về quê hương của Marian. Và đôi vợ chồng này đã không ngờ rằng, chất lượng cà phê từ Langbiang đã chinh phục được những người mê cà phê ở đất nước xa xôi ấy. Để rồi những đơn hàng tiếp tục được gửi về. Đó chính là động lực giúp Marian và Lim đi tiếp những bước dài trong việc sản xuất cà phê chất lượng.

Cà phê được hái chín 100% và tuyển lựa thủ công trước khi vào sơ chế

Lim và Marian đã thay đổi cách sản xuất cà phê từ trước đến nay của gia đình, họ thay thế lứa cà phê già cỗi. Bên cạnh đó, hai vợ chồng cũng đã tiến hành thu mua toàn bộ cà phê của 15 hộ là bà con người K’Ho trong khu phố Bon Dong 2, thị trấn Lạc Dương với giá cao hơn thị trường. Tuy nhiên, các nông hộ này phải đảm bảo sản xuất theo phương thức của Lim và Marian đề ra. Cây cà phê được canh tác trong môi trường hữu cơ, người nông dân tạo môi trường phát triển thuận theo tự nhiên tối đa cho cây cà phê, không có bất cứ yếu tố hóa học nào tác động đến cây trồng. Đồng thời, trồng thêm các cây che tán để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê. Marian đã bắt đầu việc làm nông của mình như thế. Với Lim và Marian, hạnh phúc chính là “nhìn thấy những cây xanh mọc lên do chính tay mình trồng”.

Ngoài trực tiếp chăm sóc, thu hái và kiểm tra các vườn cà phê, Lim và Marian dành nhiều thời gian ở trong khu nhà kính với việc sơ chế các loại cà phê. Căn nhà nhỏ của Marian và Lim nằm ở cuối đường Vạn Xuân, tổ dân phố Bon Dong 2, thị trấn Lạc Dương luôn ngào ngạt mùi cà phê rang xay. Hệ thống máy rang cà phê được kết nối với máy tính. Nhiệt độ trong quá trình rang hiển thị dưới dạng đồ thị trên máy tính, giúp Marian kiểm soát nhiệt độ chính xác tuyệt đối để cùng một loại cà phê song có thể cho ra những mùi vị khác nhau. Ngoài cà phê, vỏ cà phê chín còn được Lim và Marian sơ chế và phơi làm trà. Các công đoạn sản xuất trà vỏ cà phê đa phần đều làm thủ công nên giá thành khá đắt. Vỏ của hạt cà phê Arabica hoàn toàn hữu cơ được chọn lựa cẩn thận bằng tay, để đảm bảo chọn được những vỏ chín nhất và không bị giập nát. Sau quá trình chọn lọc tỉ mỉ, các công đoạn tách vỏ, phơi, thử trà,… đều được chú trọng. Đặc biệt, vỏ cà phê phải được sấy liên tục 48 giờ để đảm bảo không có nấm mốc, sau đó phơi nắng đến khi vỏ cà phê chuyển sang màu nâu để đóng gói.

Marian cũng đã tiến hành các thủ tục để đăng ký thương hiệu Zanya Coffee. Trên bao bì của cà phê Zanya có dòng chữ Coffee Việt Nam, Lang Biang Mountain - nơi bắt nguồn của những hạt cà phê chất lượng. Ngoài ra cà phê Arabica được chế biến theo nhiều phương pháp khác nhau.

Nhiều bạn bè của Marian từ Slovakia và những đất nước khác đã ghé Langbiang thăm vợ chồng anh và uống coffee Zanya. Với nhiều cách chế biến, rang xay khác nhau từ một loại cà phê Arabica, bạn bè đam mê cà phê từ nhiều nước vẫn gọi vui Marian là “thợ rang người Slovakia”. Để rồi các loại cà phê thấm đẫm hương vị tình yêu của thương hiệu Zanya đã theo chân họ không chỉ về Slovakia mà còn sang các nước Đức và Ý. 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,617,494.00