12/2/2021 9:27:00 AM
.

Làm cà phê sạch trên đỉnh núi Min


Những nông dân trồng cà phê Arabica trên đỉnh núi Min (còn gọi là đỉnh Lán Tranh, xã Lạc Xuân, huyện Ðơn Dương) không thể ngờ một ngày những hạt cà phê do chính tay họ trồng, chăm sóc lại được các chuyên gia đánh giá có chất lượng tuyệt hảo, đủ sức xuất khẩu ra thị trường thế giới.
 

Điều bất ngờ đối với chúng tôi là trong số 112 nông hộ được chọn ra từ hàng trăm hồ sơ tham gia Cuộc thi Chung kết tuyển chọn chất lượng cà phê Arabica của UCC GROUP tại Việt Nam lần thứ 5 tại TP Đà Lạt, thì có tới 6 giải cao nhất trong số 15 nông hộ đoạt giải đều đang canh tác tại đỉnh núi Min, ngọn núi có độ cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển và có khí hậu, thổ nhưỡng rất đặc biệt.

Bất ngờ với hương vị Arabica

Tại cuộc thi tuyển chọn cà phê ngon dành cho nông dân Lâm Đồng diễn ra vài ngày trước do Công ty UCC GROUP (Nhật Bản), Công ty TNHH Cà phê Là Việt (Việt Nam) tổ chức, nhằm chọn ra nông dân sản xuất cà phê Arabica ngon nhất. Hàng chục ha cà phê Arabica được chọn vào vòng chung khảo, lấy mẫu và được đánh số ngẫu nhiên bởi một bộ phận riêng biệt. Và có tới 7 vị giám khảo là các chuyên gia tới từ nhiều nước trên thế giới không thể biết ai là chủ nhân của những mẫu cà phê dự thi.
 

Là một trong hàng chục nông hộ trồng cà phê Arabica cả chục năm nay nhưng chưa một lần chứng kiến các công đoạn pha chế, thưởng thức cà phê theo cách thức chuyên nghiệp, ông Trần Tuấn Anh (ngụ Cầu Đất, Đà Lạt) cầm ly cà phê nóng hổi, bốc khói vừa tấm tắc nói: “Chỉ ngửi sẽ thấy có mùi thơm cà phê đặc trưng, khi nhấp một ngụm nhỏ có vị đắng nhẹ nhưng trong giây lát vị thanh ngọt, hương vị đậm đà. Tôi không ngờ hạt cà phê ngon pha chế đúng cách lại có nhiều mùi vị hấp dẫn như vậy”.

Trong không gian mùi cà phê dịu nhẹ, thơm phức bay khắp căn phòng lớn, ông Tuấn Anh cùng 111 nông hộ khác chăm chú quan sát quy trình mà các chuyên gia cà phê thế giới pha chế, những cách thức họ chưa bao giờ được biết và được thấy trước nay. Nhìn vị giám khảo người Nhật cúi gập người xuống bàn chấm điểm, đưa mũi hít một hơi sâu để cảm nhận mùi vị ly cà phê bột rồi cầm bút đánh dấu nhiều mục vào bảng điểm, nông dân Nguyễn Văn Hùng nói ông không ngờ các chuyên gia cà phê lại có thể tách bạch đánh giá các mùi thơm chính khác hẳn với cảm nhận mùi của người nông dân khi uống cà phê.

Cách đây 2 năm, gia đình ông được tiếp cận cách trồng cà phê đặc sản và điều ông được khuyến cáo đầu tiên khi làm cà phê sạch là phải trồng ở độ cao thích hợp (trên 1.200 m), không nên bỏ nhiều phân hóa học và chỉ hái quả chín cho đến khi cà phê chín hết vườn. “Tốn công cũng phải làm, không có chuyện hái trái xanh chung trái chín đỏ. Cà phê Arabica có vị chua trái cây đặc trưng, lẫn vài hạt xanh là lộ vị chát trội lên. Các chuyên gia sẽ phát hiện ngay cà phê do một ông nông dân hái nhiều trái xanh sơ chế” - ông Sơn vui vẻ chia sẻ.

Trong lễ trao giải cho 15 nông dân có chất lượng cà phê cao nhất cuộc thi, ông Masaro Ueshima, Tổng Giám đốc UCC GROUP, nhận định: Qua cuộc thi, UCC GROUP muốn kích thích người nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn mà thị trường chung thế giới đang chấp nhận. Nếu sản xuất đúng quy trình thì sản phẩm sẽ được đón nhận và được mua với mức giá cao (ít nhất cao hơn 10% so với giá thị trường) phù hợp với công sức người dân đã bỏ ra. Ngoài ra, đây cũng là phương cách để nông dân rút kinh nghiệm trong việc sản xuất cà phê chất lượng cao. Những đánh giá này thay cho việc đúc kết kinh nghiệm và nông dân dựa vào đó làm bài học cho mình.

Ðể cỏ mọc và hạn chế tối đa phân hóa học

Từ cuộc thi trên, chúng tôi tìm thăm vườn cà phê Arabica của 6 nông hộ đoạt giải cao nhất và thú vị khi họ đều có vườn cà phê canh tác trên đỉnh núi Min. Tại đây, một cánh rừng cà phê Arabica rộng khoảng 90 ha, có độ cao 1.300 - 1.400 m (huyện Đơn Dương) đã được các chuyên gia đánh giá sản phẩm cho chất lượng rất tốt.

Từ chân núi, nông dân Nguyễn Phi Hảo (33 tuổi, ngụ xã Lạc Xuân), người đoạt giải nhất cuộc thi trên hồ hởi chở chúng tôi trên chiếc xe máy đôn nòng, nhông dên. Bởi con đường lên rẫy gần như dốc đứng và mặt đường bê tông rộng chưa tới 2 gang tay, dài 3,5 km, khiến những người lần đầu tiên lên đây như lạnh tóc gáy. Chỉ cần sơ sẩy trượt bánh là cả xe lẫn người lao thẳng xuống vực sâu hun hút. Hành trình chắt chiu chăm sóc trái cà phê của anh Hảo và bà con hằng ngày khá cực nhọc như vậy, nhưng luôn có động lực, bởi đích đến phía trước là rẫy Arabica xanh tốt trên đỉnh cao chót vót.

Đứng giữa 2,8 ha cà phê 20 năm tuổi, anh Hảo tự hào phân tích: “Khí hậu, chất đất là cái quý nhất của người trồng cà phê ở đây. Do độ cao phù hợp, vườn cà phê lại nằm ven rừng thông cổ thụ nên độ ẩm trên núi Min cao hơn hẳn các nơi khác. Còn về cách thức canh tác mình luôn hạn chế tối đa việc bỏ phân hóa học cho cây. Chỉ bỏ một lượng nhỏ phân lân, đạm vào ủ cùng vỏ cà phê, phân bò là nguồn phân bón chính, giúp tăng thêm dinh dưỡng cho cây phát triển”.

Điều đặc biệt là thay vì làm làm cỏ sạch trong vườn, anh Hảo lại để cỏ tạp mọc với mục đích tạo thêm độ ẩm cho gốc cây, giúp đất thêm tơi xốp, các vi sinh vật trong đất phát triển, tránh không dùng tới thuốc diệt cỏ. Với độ ẩm thường xuyên đạt ở biên độ 16-23 độ C trên đỉnh núi Min, vườn cà phê vẫn phát triển tốt mà không cần tưới nước vào mùa khô.

Nằm cách vườn anh Hảo khoảng 400 m, chị Phạm Thị Mai Hoa, người đoạt giải trong cuộc thi có gần 2 ha cà phê Arabica cho rằng, hướng canh tác cà phê sạch là hạn chế tối đa thành phần phân, thuốc hóa học, chỉ bỏ phân hữu cơ, để cỏ mọc, hái cà đủ độ chín... về tương lai sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho người nông dân. “Khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây ưu đãi, nếu canh tác theo hướng dẫn của các chuyên gia thì vùng này sẽ cho chất lượng cà phê chất lượng đồng đều, giá bán sẽ cao hơn giá thị trường trong tương lai gần” - chị Hoa bày tỏ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài trường hợp anh Nguyễn Phi Hảo đoạt giải nhất cùng khoảng 50% các hộ đoạt giải thưởng sẽ được Công ty UCC GROUP mua toàn bộ sản lượng cà phê trong vườn hiện có đưa về Nhật Bản để giới thiệu và quảng bá về chất lượng cà phê Việt Nam thì có cả chục hộ dân trên đỉnh núi Min cũng đang liên kết với các công ty cà phê nổi tiếng trong nước để bán cà phê sạch với giá tốt hơn ngoài thị trường 10 tới 30 giá.

Trong Cuộc thi Chung kết tuyển chọn chất lượng cà phê Arabica của UCC GROUP Việt Nam lần thứ 5 tại TP Đà Lạt, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với người dân trồng cà phê Arabica tại Đà Lạt và các huyện lân cận. Hiện Lâm Đồng đã xây dựng và phát triển gần 57 ngàn ha cà phê được cấp chứng chỉ bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế UTZ, 4C và chiếm khoảng 33% tổng diện tích canh tác. Đồng thời, địa bàn đã hình thành được 4 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích khoảng 1.500 ha.

“Chất lượng cà phê của Lâm Đồng, đặc biệt tại Đà Lạt và các huyện lân cận được đánh giá cao. Khi các công ty có uy tín trên thế giới quan tâm, chọn sản phẩm để mua ngày một nhiều, chứng minh hướng phát triển cà phê bền vững, chất lượng cao ngày càng góp phần duy trì ổn định về năng suất lẫn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường cà phê sạch trong và ngoài nước” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định.
 
Ông Armando Siera, Chuyên gia kiểm định chất lượng cà phê Colombia, đánh giá cà phê Arabica tại Đà Lạt tương đương với cà phê của Honduras (Trung Mỹ). Cà phê rất sạch, vị trung bình khá, nhiều vị chua của cam quýt. Năm ngoái, tại Nhật Bản, cà phê của Đà Lạt đã được Tập đoàn Olam giới thiệu và được đánh giá tốt. Theo tôi, cà phê Arabica của Đà Lạt đang có chút tiếng tăm, không nên sa vào việc bán không kèm theo xuất xứ để rồi dính vào tình trạng vô danh như lâu nay với cà phê Robusta. Cà phê ngon là cà phê đặc sản nên khi bán phải kèm các thông tin độ cao, xuất xứ và nhiều thông tin khác. Những công ty lớn rất tôn trọng xuất xứ địa lý. Nhưng mặt khác, cần nâng cao chất lượng dần dần để chỉ dẫn địa lý được nâng giá trị. Điều này cần làm ngay từ bây giờ để mang lại lợi ích lâu dài cho Đà Lạt và cả Việt Nam. Tiềm năng cà phê lớn nhưng quá nhiều năm đầu tư chưa phù hợp.



CHÍNH THÀNH
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:3,637,579.00