Đà Lạt nổi tiếng không chỉ bởi những công trình kiến trúc độc đáo, nơi có bảo tàng hoa khổng lồ mà thành phố này còn là một điểm đến đầy hấp lực đối với du khách bởi nhịp sống nhẹ nhàng, không quá xô bồ như Sài Thành hoa lệ. Có người yêu Đà Lạt bởi thời tiết ẩm ương như gái dậy thì, có người bị phố núi hút hồn vì ánh mắt ngây dại của kiều nữ miền sơn cước nhưng cũng có người đến đây với lý do mộc dị: tìm lại chút hương nồng ấm bên tách cà phê cho một ngày mới, và… Cà phê Làng Việt sẽ là một lựa chọn thi vị cho du khách khi đến với thành phố hoa.
Thứ bảy và chủ nhật, mặc dù là hai ngày nghỉ của cán bộ công nhân viên chức nhưng đối với chị Trần Thị Thúy (cán bộ phụ trách Công đoàn Trường Đại học Đà Lạt) lại là những ngày tất bật và bận bịu. Sở dĩ cô gái này phải làm việc liền tay là do ngoài công việc chính tại cơ quan, chị Thúy còn có thêm nghề tay trái là chế biến sản phẩm cà phê với nhãn hiệu Làng Việt coffee. Lật lại quá khứ của mình, chị cho biết: sau khi tốt nghiệp ngành Ngữ văn rồi hoàn thành luận văn thạc sĩ Văn học tại Trường Đại học Đà Lạt, năm 2018 chị đến với nghề xay rang, chế biến cà phê như một mối lương duyên tiền định. “Đầu tiên đó là niềm đam mê của mình với sản phẩm này. Thứ đến là trong quá trình tìm hiểu về cà phê trên thị trường mình thấy người tiêu dùng ngày một hướng đến và chọn sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe, do đó Làng Việt ra đời với mong muốn góp phần nhỏ làm phong phú cho sự lựa chọn của khách hàng”. Chị Trần Thị Thúy trải lòng về nghề tay trái của mình.
Vì đam mê, và muốn sống trọn với sở thích, chị Thúy đã vay mượn kinh phí, thuê mặt bằng tại địa chỉ 87 Mẫu Tâm, Phường 5, thành phố Đà Lạt để đầu tư máy móc, trang thiết bị, thu mua cà phê và tiến hành rang xay, chế biến sản phẩm. Để có được những hạt cà phê, chắc đẹp đích thân chị xuống tận vườn tuyển chọn, đặt hàng những gia đình canh tác cà phê để mua sản phẩm.Vì mới đi vào hoạt động nên mỗi tháng, cơ chế biến cà phê làng việt chỉ xay rang khoảng 300kg cà phê và xuất ra thị trường. Sau khi đóng gói hoàn thiện sản phẩm, 1kg cà phê bột được bán với giá thấp nhất là 150.000 đồng. Sản phẩm cà phê Làng Việt chủ yếu được chọn lựa từ giống cà phê Robusta tại vùng Bảo Lâm, Bảo Lộc, cà phê Catimor, Tyoica tại Cầu Đất, Đà Lạt. Tất cả các loại cà phê đều được rang mộc nguyên chất 100%, không sử dụng bất cứ hương liệu hoặc phụ gia nào.
Cũng giống như các mặt hàng khác, thị trường tiêu thụ cà phê hiện nay cạnh tranh khốc liệt. Đây là điều khó nhất đối với tất cả các doanh nghiệp khi khởi nghiệp, khách hàng họ phải dựa trên các tiêu chí như chất lượng, an toàn cho sức khỏe nhưng giá cả phải phù hợp, để khách hàng tin tưởng và tiêu thụ sản phẩm, cơ sở cà phê Làng Việt ban đầu phải chấp nhận cung cấp các dòng cà phê mẫu cho các đại lý và quán cà phê dùng miễn phí, giá phải hợp lý nhưng phải đảm bảo chất lượng. Khi khách hàng dùng thử, kiểm tra các thành phần của sản phẩm cảm thấy vừa lòng và giá cả hợp lý họ sẽ tin dùng sản phẩm của làng việt.
Ngoài ra, để khách hàng biết đến sản phẩm cà phê Làng Việt, đích thân chị Thúy phải đi tiếp thị, đến từng quán cà phê, tạp hóa giới thiệu sản phẩm. Phân tích cụ thể từng thành phần và cách pha chế để họ dùng thử. Lần đầu chưa quen nhưng dần dần khách hàng cũng đã sử dụng sản phẩm và họ tự đặt hàng”. Chị Thúy kể về quá trình đi tiếp thị sản phẩm cà phê của mình. Nhờ kiên trì theo đuổi đam mê và ước mơ, sau một thời gian đi vào hoạt động, sản phẩm cà phê Làng Việt đã “bén duyên” với khách hàng. Hiện, thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê làng việt được bán ở các tỉnh như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt.
Vậy là sau gần nửa năm ra mắt, cà phê Làng Việt đã bén duyên với thị trường và dần chiếm được thị hiếu của người thưởng thức. Với mong muốn tạo ra một sản phẩm cà phê sạch, chất lượng cho người tiêu dùng, hy vọng sản phẩm này sẽ góp phần làm cho thị trường cà phê thêm phần phong phú và tạo ra sự lựa chọn mới cho “tín đồ cà phê” hiện nay.
(Đặc San Dalat Info số tháng 4)