9/3/2020 7:55:00 AM
.

Xuân Trường xây dựng vùng cà phê công nghệ cao


(Lâm Đồng Online) Vượt qua bao thăng trầm, cà phê Cầu Đất (Xuân Trường) vẫn có chỗ đứng nhất định đối với người thưởng thức cà phê. Điều này có được là nhờ người nông dân nhanh nhạy nắm bắt xu hướng cà phê trên thị trường trong và ngoài nước, kịp thời quy hoạch lại một số vùng trồng cà phê chất lượng cao.


Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân trồng cà phê ở xã Xuân Trường (thành phố Ðà Lạt) đã tập hợp nhau lại để trồng cà phê theo hướng bền vững, tạo thành vùng cà phê công nghệ cao với diện tích 500 ha ở các thôn Trường An, Trường Sơn, Đất Làng, duy trì vùng nguyên liệu, giữ vững thương hiệu cà phê Arabica Cầu Đất vốn nổi tiếng thế giới.

Phát triển cà phê bền vững

Tâm trạng phấn khởi cũng là không khí chung của nhiều hộ dân trồng cà phê ở Xuân Trường từ khi Đà Lạt tiến hành xây dựng thương hiệu cà phê Arabica Cầu Đất và được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu.

Để phát triển cà phê bền vững, người sản xuất phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện với môi trường; quy trình chăm sóc, thu hoạch cà phê tuân thủ nghiêm ngặt theo chương trình cà phê bền vững. Anh Võ Khanh, Giám đốc HTX Xuân Trường - Cầu Đất chia sẻ, khi được Cơ quan hợp tác phát triển Ailen - Đại sứ quán Ailen và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) vận động thành lập HTX để tổ chức sản xuất cà phê bền vững, nâng cao giá trị, anh cùng 30 nông dân bắt tay thực hiện ngay. Hiện, HTX sản xuất theo quy trình của Fair Trade (Fair trade coffee - Cà phê Thương mại Bình đẳng, là chứng chỉ phổ biến trong ngành cà phê và phổ biến trên toàn thế giới. Chứng nhận trên nhằm hướng đến sản xuất cà phê bền vững, cho ra những sản phẩm Specialty Coffee chất lượng cao, đồng thời nâng giá trị thụ hưởng cho người nông dân trong chuỗi cung ứng), tổng diện tích sản xuất là 46 ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 100 tấn cà phê nhân sạch theo đúng tiêu chuẩn, đáp ứng mọi tiêu chí về cà phê sạch của thị trường thế giới. Giá trị cà phê của HTX mang lại cho người dân tăng hơn 40% so với giá chung của thị trường.

Nhiều nông hộ vẫn áp dụng phương thức canh tác, thu hoạch theo lối truyền thống, sản phẩm cà phê làm ra chưa đạt chất lượng đích thực vốn có, nên chưa có những hợp đồng bao tiêu ổn định. Áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến cà phê theo hướng chất lượng, bền vững, thân thiện với môi trường là hướng đi đúng của nhiều nông hộ trồng cà phê ở Cầu Đất hiện nay. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn khó khăn chính là thiếu vốn đầu tư. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cà phê xanh tốt đang thời kỳ đậu trái, anh Phạm Văn Dũng, thôn Xuân Sơn phấn khởi khoe: “Ông đã chuyển đổi trồng cà phê công nghệ cao áp dụng quy trình hữu cơ được hơn 4 năm nay với diện tích khoảng 2 ha. Điều mà ông tâm đắc nhất là hiện nay gia đình đã chủ động nguồn dinh dưỡng hữu cơ chất lượng để cung cấp cho cà phê đúng lúc theo nhu cầu sinh lý của cây. Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc nên năng suất cây cà phê năm qua tuy chưa cao nhưng giá thành cũng cao hơn”.

Nhiều giải pháp để xây dựng vùng cà phê công nghệ cao

Với thành công bước đầu của một số nhãn hiệu cà phê, trong đó nổi lên là loại cà phê Arabica, Lâm Đồng đã đặt ra mục tiêu xây dựng thương hiệu cà phê là một trong những mục tiêu chiến lược về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể, tỉnh lập kế hoạch xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cà phê Arabica của Việt Nam, sẽ trở thành một trong những vùng cà phê Arabica có chất lượng cao trên thế giới, trong đó vùng cà phê Cầu Đất được đẩy mạnh phát triển. Tuy nhiên, để khẳng định được vị trí đó, thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải được quan tâm giải quyết.

Ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết, để tìm hướng đi bền vững cho cà phê địa phương, thời gian qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt, trực tiếp là Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Kinh tế Đà Lạt đã giúp địa phương xây dựng thành công thương hiệu Cà phê Cầu Đất. Đây là tiền đề để người nông dân hướng đến việc sản xuất cà phê chất lượng cao. Muốn sản phẩm cà phê được giá, có đầu ra ổn định, người trồng cà phê phải đầu tư, chuyên canh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, cà phê sạch, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Song song với đó, địa phương cần kêu gọi, liên kết với các doanh nghiệp đủ mạnh để hợp đồng bao tiêu, xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại địa phương, giúp người dân an tâm đầu tư, sản xuất, tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng.

Theo Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, giải pháp trước hết để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê Arabica Cầu Đất trong thời gian tới là tiếp tục lựa chọn các loại giống cà phê chè có năng suất và chất lượng cao để cải tạo, trồng mới thay thế các diện tích cà phê chè đã già cỗi như, thực hiện các chọn lọc, bình tuyển, bảo tồn và nhân rộng các giống cà phê đặc hữu, chất lượng cao (các giống Moca, Bourbon, Arabica blend, Typica...).

Đồng thời xây dựng và hoàn thiện mô hình thâm canh kỹ thuật mới để chuyển giao rộng rãi cho người nông dân. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố Đà Lạt xây dựng chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất cà phê Arabica ứng dụng công nghệ gắn với tiêu thụ ổn định, lâu dài. Trang bị đồng bộ dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; mở rộng chế biến, phân loại cà phê xuất khẩu theo các tiêu chuẩn ISO: 9000, ISO: 14000, HACCP…

Ngoài ra, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm, hội thảo, tạo môi trường kết nối tiêu thụ sản phẩm cà phê Arabica Đà Lạt là khâu quan trọng không kém nhằm nâng tầm cà phê Cầu Đất.


.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,609,420.00