12/25/2019 9:58:00 AM
.

LIÊN KẾT ĐỂ LÀM DU LỊCH CANH NÔNG


(Thành Nam)
       Nam Tây Nguyên ngày gió lạnh. Mùa xuân đang về lấp ló ngoài hiên. Đi giữa thênh thang đại ngàn mới thấy được sức sống mới và tinh thần lao động khẩn trương, hối hả từ những vườn rau, hoa công nghệ cao nơi phố núi. Với lợi thế từ khí hậu, nét văn hóa đặc trưng, những danh thắng nổi tiếng cộng với ưu thế về đất đai, thổ nhưỡng, ngành du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đã “bắt tay” với ngành nông nghiệp để tạo ra sản phẩm du lịch canh nông đặc sắc. Cái “bắt tay” chân tình này là điều hết sức cần thiết để tạo mối liên hệ bền vững trong hoạt động du lịch canh nông tại địa phương.
Liên kết để đa dạng hóa sản phẩm 
      Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: tính đến tháng 11/2019, lượng khách du lịch đến với Đà Lạt- Lâm Đồng đã đạt 6 triệu 200 ngàn lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh lĩnh vực du lịch truyền thống dựa vào lợi thế của khí hậu, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan thì ngành nông nghiệp đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của bức tranh du lịch Lâm Đồng.
       Đà Lạt ngày trở gió, nắng vàng quyện vào nhau như ru lòng người lữ thứ. Hoàng hôn đã rớt trên những triền dốc nhưng tại điểm du lịch canh nông khu phố Xuân Hương, Phường 9, Tp. Đà Lạt vẫn còn nhiều đoàn khách hối hả về tham quan. Bên cạnh vườn cây độc, trái lạ của nhà nông Lê Hữu Phan thì nơi đây còn có những mô hình du lịch canh nông luôn “hớp hồn” du khách, trong đó điểm nhấn nổi bật là Vườn lan Sang Còi. Đến với Vườn lan Sang Còi, du khách thỏa sức ngắm vẻ đẹp kiêu sa, đài các nhưng cũng rất đỗi gần gũi của những loài phong lan đặc biệt là lan hồ điệp được trưng bày bắt mắt. Chủ vườn lan Sang Còi - anh Phan Thanh Sang không giấu được niềm vui khi chính anh đã góp phần làm cho tuyến du lịch canh nông tại khu phố Xuân Hương thêm phần đa dạng, phong phú. “Nếu như trước đây, chưa hình thành điểm du lịch canh nông thì khách chỉ đi tham quan hồ Than Thở, nghe kể chuyện Đồi Thông Hai Mộ xong rồi về, nhưng giờ thì khác. Điểm du lịch canh nông Xuân Hương sẽ giúp khách tìm hiểu về vườn bí ngô, cà chua đen, họ tự tay hái cà chua, nhổ rau và mua về làm quà. Thưởng lãm nét đẹp của hoa lan, hái dâu tây… đây là những sản phẩm làm cho hoạt động du lịch thêm phần hấp dẫn”. Phan Thanh Sang- Chủ nhân Vườn lan Sang Còi khẳng định.

Ngoài sản phẩm rau, cây giống thì vườn hoa lan Sang Còi đã góp phần làm cho
tuyến du lịch canh nông tại đường Hồ Xuân Hương thêm phong phú và đa dạng -Thành Nam

      Tiền thân của tuyến du lịch canh nông khu phố Xuân Hương hôm nay chính là Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Hương được thành lập từ năm 2003. Hợp tác xã Xuân Hương với chức năng ban đầu là cung cấp giống cây trồng, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tạo môi trường lao động thân thiện và nâng cao thu nhập cho người dân. Ban đầu, hợp tác xã chỉ có 10 người với số vốn điều lệ ít ỏi là 500.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay, số lượng thành viên của hợp tác xã đã lên tới 25 xã viên, diện tích sản xuất lên tới 7 ha, tổng nguồn vốn của hợp tác xã đã đạt hơn 2 tỷ đồng. “Việc tạo liên kết trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực du lịch canh nông nói riêng là điều cần thiết. Điều này không chỉ làm đa dạng thêm sản phẩm du lịch mà qua đó góp phần tăng thu nhập cho xã viên. Đến nay, thu nhập của hợp tác xã đã đạt 1 tỷ đồng/ha”. Ông Trần Đức Quang - Chủ nhiệm Hợp tác xã Xuân Hương, Phường 9, Tp. Đà Lạt không giấu được niềm vui.
Liên kết để thu hút du khách
      Trong những năm gần đây, du lịch canh nông đã và đang trở thành hướng đi mới được nông dân Đà Lạt - Lâm Đồng tích cực hưởng ứng. Những trải nghiệm nơi Đồi Chè Cầu Đất, Vườn hoa cẩm tú cầu Trại Mát, vườn bí ngô Lê Hữu Phan, Trang trại Định Farm… đã và đang là những điểm đến không thể thiếu trong hành trình của khách du lịch khi đến với phố hoa Đà Lạt. Mỗi hộ gia đình góp thêm một sản phẩm du lịch, mỗi cá nhân đóng góp thêm một mô hình thì rõ ràng ngành du lịch của Đà Lạt sẽ thêm sắc, thêm hương và từng bước khẳng định được vị thế của mình. Rõ ràng, khi tuyến du lịch canh nông của khu phố Xuân Hương đi vào hoạt động thì nông dân chính là những người được hưởng lợi. “Khi có nhiều điểm du lịch, nhiều điểm tham quan thì tất yếu khách sẽ đến đông hơn. Họ có thể trải nghiệm nhiều loại hình khác nhau. Khách đến vườn này thì hái rau, hái quả, đến mô hình kia thì ngắm hoa, hái dâu… đó cũng là cách người dân tạo thêm thu nhập cho mình”. Bà Lê Thị Ái - Chủ mô hình du lịch canh nông tại khu phố Xuân Hương, Đà Lạt tin tưởng.
        Thống kê của ngành chức năng cho biết: hiện, Đà Lạt - Lâm Đồng có 33 điểm du lịch canh nông đã đi vào hoạt động. Vừa qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đã phê duyệt 3 tuyến du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh gồm: tuyến du lịch canh nông khu phố Hồ Xuân Hương, tuyến du lịch canh nông Vạn Thành và tuyến du lịch canh ông xã Đạ Sar - Lạc Dương. Rõ ràng, du lịch canh nông đang được Đà Lạt – Lâm Đồng chú trọng phát triển. Tuy nhiên để lĩnh vực này phát triển bền vững tránh tình trạng chụp giật, manh mún thì chính quyền tỉnh Lâm Đồng nói chung và ngành du lịch nói riêng phải có những định hướng, lộ trình, cụ thể rõ ràng cho người nông dân. Làm gì, làm như thế nào, cần có những giải pháp ra sao để giúp nông dân vươn lên làm giàu từ du lịch canh nông đó là những câu hỏi sẽ được giải đáp một cách cụ thể từ ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng…
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,617,569.00