12/2/2021 9:50:00 AM
.

Hoa trên thành phố ngàn hoa


Đà Lạt bước sang tuổi 129. Từ rất lâu, vùng đất này được phác họa tương lai trở thành “thủ đô mùa hè” cho những ai muốn tận hưởng sự ngọt lành. Miền đất khí hậu mát mẻ quanh năm, là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Đà Lạt được ví là vườn “bách thảo kỳ hoa” quanh năm khoe sắc. Khí hậu và hoa… đã tự nhiên níu chân nhiều người về với Đà Lạt.
 

Người ta thường gọi Đà Lạt là thành phố ngàn hoa, bởi đến Đà Lạt vào thời khắc nào bạn sẽ được chiêm ngưỡng hoa và hoa: Hoa trên phố, hoa trong nhà và hoa vấn vương trên những sườn đồi. Đà Lạt phố hoa là vậy. Nhưng hãy ngược dòng ký ức, viễn du về với gốc gác nghề trồng hoa ở xứ này… Trong câu chuyện với nhà “Đà Lạt học” Nguyễn Hữu Tranh, ông cho biết, khoảng 5 năm - sau khi bác sĩ A.Yersin phát hiện ra Đà Lạt, người Pháp đã thành lập ở xứ cao nguyên này một trạm nông nghiệp khoảng 16 ha để trồng thử nghiệm nhiều loại rau, cây ăn trái, cây công nghiệp và đặc biệt là hoa. Đến năm 1901, kỹ sư A.D’André đã tóm lược trong một bản báo cáo rằng, các giống hoa Pháp và vùng ôn đới trồng thử nghiệm tại Đà Lạt đều phát triển tốt, đẹp rực rỡ mà ít tốn công chăm sóc. Kết quả này đã thu hút sự quan tâm của giới chức và các nhà nông học thời bấy giờ.

Sau đó, vào những năm cuối thập niên 30 thế kỷ trước, những cư dân đầu tiên từ các làng hoa Quảng Bá, Nghi Tàm… ngoại thành Hà Nội, vượt hàng ngàn cây số vào cao nguyên hoang sơ lập nên ấp Hà Đông (phường 8, TP Đà Lạt ngày nay). Trong hành trình đến với miền đất mới, họ không chỉ mang theo hạt giống rau, hoa, mà còn những kinh nghiệm nghề nông của quê hương để lập nên làng hoa truyền thống đầu tiên tại Đà Lạt. Sau làng hoa Hà Đông là các làng nghề đã trở thành những cái tên quen thuộc với du khách như: Làng hoa Thái Phiên, Vạn Thành, Xuân Thành, Đa Thiện…

Giờ đây, Đà Lạt đã trở thành một vùng nông nghiệp công nghệ cao nổi tiếng cả nước và quốc tế. Thương hiệu “Hoa Đà Lạt” đã tạo được vị thế không dừng lại ở góc độ cảnh quan, mà được định vị là sản phẩm kinh tế hàng hóa có giá trị ngày càng cao trên thị trường.

Đà Lạt có lợi thế so sánh về khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Chính điều đó đã hấp dẫn nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực này. Công ty Dalat Hasfarm đến Đà Lạt khá sớm - năm 1994, và trở thành điển hình của sản xuất hoa công nghệ cao. Có lẽ, những trang trại trồng hoa đầu tiên của Dalat Hasfarm là “mô hình điểm” cho nông dân Đà Lạt tiếp cận kỹ thuật sản xuất hoa kiểu mới, đó có thể là cuộc “cách mạng” về công nghệ trồng hoa tiên tiến ở xứ hoa Đà Lạt. Và, không lâu sau sự thành công của Dalat Hasfarm, tại Đà Lạt đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất hoa công nghệ cao.
 

Có thể nói, ban đầu khái niệm “hoa công nghệ cao” chỉ hạn hẹp trong phạm vi các doanh nghiệp và một số nông hộ tiến tiến. Và năm 2004, trở thành dấu mốc mang tính đột phá trong lịch sử ngành hoa Đà Lạt, khi tỉnh Lâm Đồng chính thức triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Từ đây, hình ảnh sản xuất nông nghiệp kiểu mới đã lan tỏa đến các địa phương trong tỉnh.

Những năm gần đây, sản xuất hoa công nghệ cao Đà Lạt đã có những bước tiến vượt bậc. Các công nghệ tiên tiến trên thế giới được chuyển giao và áp dụng có hiệu quả, như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tưới tự động và công nghệ sau thu hoạch… Đến cuối năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt hơn 6.700 ha, chiếm 64% diện tích đất canh tác; diện tích gieo trồng hoa khoảng 6.000 ha, doanh thu bình quân đạt 960 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích hoa cao cấp đạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Tháng 12-2011, “Hoa Đà Lạt” được đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Thương hiệu hoa và vị thế người trồng hoa trên Thành phố festival hoa Việt Nam một lần nữa được minh chứng.

Canh tác hoa, thưởng lãm hoa… đã trở thành yếu tố văn hóa hình thành rất tự nhiên ở Đà Lạt. Hoa Đà Lạt đã trở thành “biểu tượng” của xứ sở, đã nên thơ, vào nhạc, vào tranh… và lan tỏa đến nhiều thị trường thế giới.

Khí hậu, hoa… quyện hòa nét duyên của “đôi má hồng đào” của thiếu nữ đã tự nhiên níu chân nhiều người về với Đà Lạt.

MAI VĂN BẢO
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,615,513.00