8/14/2020 1:55:00 PM
.

Hơn 20 năm gắn bó nghề trồng hoa Đà Lạt


(Thanh Dương Hồng)
      Phường 8, trước nay được biết đến là“vựa” hoa cúc nổi tiếng, một trong 5 Làng hoa truyền thống của Đà Lạt. Song, hơn 20 năm qua, một hộ dân lặng lẽ dành cho hoa hồng “Sứ giả của tình yêu” bằng cả cuộc đời. Đó là hộ gia đình anh Nguyễn Đắc Hoài (sinh 1968, nhà số 428 - Nguyên Tử Lực - Phường 8- Đà Lạt)…

Rẽ ngang - làm nông dân
      Dù xuất thân từ một gia đình công chức (cha là thầy giáo nghỉ hưu); bản thân đã làm công nhân tại Công ty Xây dựng 2 - Lâm Đồng (cũ), nay là Công ty CP Xây lắp và Vật tư Xây dựng Lâm Đồng) hơn 11 năm; đùng cái, anh Nguyễn Đắc Hoài xin nghỉ việc về nhà làm vườn. Anh cười hiền: “Số tui hình như chỉ làm nông dân…”.
      Sau khi cưới vợ (năm 1996) và được gia đình vợ cho 1.000m2 đất tại Phường 7 -Đà Lạt, hai vợ chồng anh Hoài vừa ở, vừa đầu tư sản xuất lập nghiệp. Ban đầu, vợ chồng anh trồng rau các loại; sau đó chuyển sang trồng hoa cúc như đa số các hộ dân trong vùng. Những năm đó, giá hoa cúc khá ổn định, cho thu nhập khá…


Toàn bộ hoa hồng của Anh Nguyễn Đắc Hoài được trồng trong nhà kính. Ảnh: Thanh Dương Hồng

       Vài năm sau, anh Hoài chuyển gia đình về sinh sống với cha mẹ ruột (tại 428 - Nguyên Tử Lực, Phường 8) và được gia đình Nội giao 1.300m2 đất để vợ chồng anh canh tác. Trên diện tích này, vợ chồng anh Hoài đầu tư vốn xây dựng nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới tự động công nghệ cao và tiếp tục trồng hoa cúc các loại, rồi chuyển sang trồng dâu tây với mong muốn nâng cao thu nhập cho gia đình. Song, dâu tây rất khó trồng, tốn nhiều công chăm sóc, lời lãi chẳng được bao…
Anh Hoài cho biết, giữa năm 2000, trong lúc sản xuất dâu tây khó khăn, có ông chú bên vợ trồng và kinh doanh hoa hồng cho thu nhập cao, anh đã tìm đến nghiên cứu, học hỏi và quyết định chuyển dần sang trồng hoa hồng (từ 1,3 sào đất tại Phường 8, rồi chuyển luôn 1 sào đất tại phường 7 trồng hoa hồng). Ban đầu mọi thứ chưa quen, nên toàn bộ giống hoa hồng anh Hoài nhờ ông anh vợ mua có nguồn gốc của Hà Lan mang về. Kỹ thuật chiết ghép, trồng, chăm sóc, nhất là chế độ phân bón, trừ sâu, “đầu ra” của sản phẩm… đều nhờ người thân tư vấn, “giúp sức”.

      Theo anh Hoài, để có một gốc hoa hồng cho bông chất lượng, phải đi từ khâu tìm mua thân hoa hồng dại, dâm trong thời gian 4 tháng (khi thân cây sống), mới ghép giống hồng ngoại trên thân hồng dại, chăm sóc khoảng 1 năm thì bắt đầu cho hoa. Nếu chăm sóc tốt, chu kỳ cho hoa mỗi gốc hoa hồng ghép từ 5 - 10 năm, hoặc dài hơn…Khâu khó nhất trong sản xuất hoa hồng là diệt trừ các loài sâu gây bệnh; trong đó bọ trỉ gây vàng lá, nấm lá, lại kháng thuốc cao nên rất khó diệt trừ…
Với đức tính cần cù, chịu khó của người nông dân, anh Hoài vừa làm vừa tự học hỏi kinh nghiệm các nhà vườn, những lão nông đi trước để đúc rút cho mình kiến thức trong sản xuất loài hoa quý phái, quyến rũ và cũng khá “khó tính” này…
“Thương hiệu hoa hồng Phường 8”
        Hiện nay, tại Phường 8-Đà Lạt đã có vài hộ trồng hoa hồng; song, về “thâm niên” và quy mô, thì gia đình anh Nguyễn Đắc Hoài là hộ sản xuất hoa hồng lớn nhất và đã làm nên “Thương hiệu hoa hồng phường 8” giữa “vựa” hoa cúc bạt ngàn !.
Bởi, ngoài 2.300m2 đất chuyên trồng hoa hồng trong nhà kính, vợ chồng anh Hoài còn thuê 3.000m2 đất của người dân tại Thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) để trồng hoa hồng hơn 10 năm qua, đem lại nguồn thu nhập khá cao. Về diện tích, sản lượng hoa hồng, gia đình anh Hoài chiếm cao nhất trong vùng. (Tuy nhiên, đến nay do thiếu người chăm sóc, vợ chồng anh đã trả diện tích đất thuê, chỉ tập tung canh tác trên 2,3 sào đất tại phường 7 và phường 8 của gia đình).
Bước vào khu vườn rộng 1.300m2 tại số 428 Nguyên Tử Lực (nơi vợ chồng anh Hoài ở và sản xuất), tôi mê mẩn trước những đóa hoa hồng giống ngoại chúm chím, khoe sắc rực rỡ, rất đẹp, kiêu sa và quyến rũ lạ lùng. Trong vườn hoa hồng có đủ các màu sắc: Nhung, đỏ, cam, vàng, xanh, kem, trắng, son môi, bêbê…Chủ nhân giải thích, trong mỗi màu còn có rất nhiều chủng loại khác nhau; ví như hoa hồng màu đỏ, hay màu vàng có nhiều chủng loài; trong đó hoa hồng màu kem, màu nhung được khách hàng ưu chuộng nhất và thường có giá cao nhất.
     Để ổn định “đầu ra” cho sản phẩm, anh Hoài đã liên kết với 03 đầu mối tiêu thụ thường xuyên hoa hồng của anh tại TP.HCM. (Chợ hoa Hồ Thị Kỷ - Quận 10 và 02 Shop hoa chuyên tiêu thụ hoa tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Giá cả bán - mua theo hợp đồng và theo từng thời vụ.
      Trao đổi về cách thu hoạch hoa, chủ nhân chia sẻ “bí kiếp”, không để người mua hoa trực tiếp vào vườn cắt hoa, công việc này do vợ chồng anh đảm trách. Anh Hoài giải thích: “Nếu người mua tự cắt hoa, người ta sẽ làm ảnh hưởng đến các thân và cành, sẽ làm giảm sút chất lượng hoa của lứa sau. Mình phải quản lý chặt chẽ khâu này thì hoa mới đảm bảo lâu dài được”.
      Cứ 2 ngày, anh Hoài cắt hoa một lần; trung bình mỗi đợt thu hoạch khoảng 2.000 bông/sào. Thời điểm tôi đến thăm (đầu tháng 8/2020, vì bị dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên hàng hóa khó tiêu thụ), giá hoa tại vườn khoảng 1.000 đồng/bông. Nếu tính tổng diện tích 2,3 sào sản xuất hoa, vợ chồng anh Hoài thu về khoảng 70.000.000 đồng/tháng; trung bình mỗi năm, vợ chồng ông chủ sản xuất hoa hồng này tích lũy trên dưới 800 triệu đồng. Đặc biệt, vào các dịp lễ hay Tết Nguyên đán, giá hoa hồng thường khá cao, vợ chồng anh Hoài còn thu nhập cao hơn…
      Nhờ đó nhiều năm qua, đời sống của gia đình lão nông 52 tuổi này rất khá giả, có đủ điều kiện cho các con ăn học, thành đạt và tiếp tục làm giàu với thương hiệu hoa hồng Đà Lạt.
Mỗi ngày, toàn bộ công việc: bón phân, tưới nước, xịt thuốc, chăm sóc, thu hoạch hoa (tại 02 khu vườn) chuyên canh hoa hồng ngoại nhập, do hai vợ chồng anh Hoài quản lý; vào những vụ làm đất, bón phân hay làm cỏ, anh thuê thêm người lao động phụ giúp và trả công, góp phần giải quyết việc lao cho người dân địa phương. Đồng thời, anh Nguyễn Đắc Hoài còn tích cực tham gia các hoạt động ở khu dân cư như: Làm Tổ đội Trưởng DQTV Phường (đã 7 năm qua), kiêm Tổ phó Tổ dân phố Cách Mạng Tháng Tám…
       Đầu năm 2020, hộ sản xuất hoa hồng Nguyễn Đắc Hoài được cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu “Đà Lạt - Kỳ diệu kết tinh từ đất lành”. Với “Thương hiệu” này, việc sản xuất, kinh doanh của gia đình nông dân Nguyễn Đắc Hoài sẽ rất thuận lợi vừa làm giàu kinh tế gia đình, vừa góp phần làm đẹp cho “Thành phố ngàn hoa - Đà Lạt”!...
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,616,335.00