5/19/2020 1:42:00 PM
.

Nơi làng hoa đầu tiên ở Đà Lạt


          (Đoàn Kiên) Thành phố Đà Lạt nổi tiếng với những làng hoa truyền thống. Cũng vì sự nổi tiếng này mà Đà Lạt đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận Đà Lạt là “Thành phố Festival Hoa Việt Nam”.

         Để có thương hiệu như ngày hôm nay, hơn 80 năm trước, những lưu dân vùng đất Hà Đông (nay là Hà Nội) đã lập nên vùng cư dân mới tại Đà Lạt – làng hoa Hà Đông. Nhìn lại chặng đường gần 1 thế kỷ mới thấy hết các bậc tiền nhân đã tham gia tổ chức thực hiện thành công chủ trương “di dân lập ấp”, tạo nên một lực lượng lao động hữu ích, tạo ra giá trị kinh tế bền vững cho một vùng đất, để các thế hệ hôm nay và mai sau luôn tự hào, góp phần làm nên một Đà Lạt mộng mơ, hình thành nên nghề trồng hoa ở thành phố này.
          Đầu thế kỷ XX, Đà Lạt bắt đầu được phát triển theo hướng một đô thị nghỉ dưỡng. Đến năm 1936, triều đình Huế lập ra tại đây cơ quan hành chính đại diện cho người Việt. Ông Trần Văn Lý, khi đó là quan tứ phẩm được giao làm Quản đạo đầu tiên của Đà Lạt. Ngay từ khi nhậm chức, ông Lý đã nhận thấy vùng đất màu mỡ này còn hoang sơ, khí hậu lại mát mẻ thích hợp cho việc sản xuất các loại rau, hoa và cây ăn quả. Trong khi đó, nhu cầu về thực phẩm tươi sống cung cấp cho người Pháp, người địa phương ngày càng tăng.
          Theo địa chí Đà Lạt: “Chủ trương di dân lập ấp Hà Đông tại Đà Lạt bắt nguồn từ sáng kiến của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, Quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý và Thượng tá canh nông Hà Đông Lê Văn Định, được chính quyền Pháp đồng ý và các cụ đã đứng ra trực tiếp thực hiện nhằm đưa các lao động có tay nghề từ làng hoa ven Hồ Tây thuộc tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) vào Đà Lạt khai hoang, mở rộng sản xuất, cung cấp thực phẩm tươi sống cho người Pháp, du khách và cư dân Đà Lạt…”.

           Trước áp lực đô thị hoá nhưng nghề trồng hoa vẫn được duy trì tại làng hoa truyền thống Hà Đông. Ảnh Đoàn Kiên

         Ông Phan Hữu Giản (Trưởng ban quản lý Nhà văn hoá làng hoa Hà Đông, phường 8) thường giới thiệu với du khách mỗi khi thăm làng hoa: Trong nhiều tháng, chương trình di dân được cổ động trên các phương tiện thông tin đại chúng khi đó. Đầu năm 1938, hàng chục người, phần lớn là nam giới do các chức sắc của các làng xã ven hồ Tây đề cử, đã tập trung về trụ sở Hội Tiểu canh nông công nghệ Hà Đông. Sau đó được tuyển chọn và đưa đi tham quan, học tập phương pháp trồng rau, hoa tại các vườn của người Pháp ở làng Ngọc Hà (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội).

         Quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 29-5-1938 nhóm cư dân gồm 35 người thuộc các làng Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Vạn Phúc, Xuân Tảo được đưa lên tàu hoả để đến vùng đất mới. Đến ngày 31-5-1938 họ đặt chân tới Đà Lạt. Khi đi họ mang theo nhiều vật dụng gia đình như xoong, nồi, chum vại, cuốc quang gánh... bắt đầu hành trình khai hoang trên vùng đất mới. Đầu năm 1939, nhóm thứ hai gồm 19 người tiếp tục vào ấp. Đến năm 1942, có thêm 47 người và cuối năm 1943, cả ấp Hà Đông có tới 57 gia đình gốc Hà Nội trên vùng đất mới. Để ghi nhớ công lao của ông Hoàng Trọng Phu trong việc di dân lập ấp, người trong ấp đề nghị được lấy tên ông để đặt tên ấp, coi ông như Thành hoàng làng. Nhưng ông Hoàng Trọng Phu đã từ chối và gợi ý lấy tên Hà Đông đặt cho ấp, để con cháu mai sau nhớ về cội nguồn, gốc gác của mình. Từ đó về sau, tên gọi “Ấp Hà Đông” hình thành.
            Những năm đầu người dân ấp Hà Đông chủ yếu dành công sức khai hoang, ổn định cuộc sống. “Khi còn trẻ, tôi đã được nghe các cụ kể lại về cuộc đấu tranh mở mang đất mới. Từ những cư dân quen sống giữa không gian đồng bằng Bắc Bộ, sau một chuyến tàu họ đã trở thành người của vùng đất cao nguyên. Giữa bốn phía âm u rừng núi những cư dân mới phải đối mặt với thiên nhiên hoang dã, mưa rừng, gió núi và thú dữ. Nhưng nhờ khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ nên người dân trồng rau, hoa rất thuận lợi, lợi nhuận thu được khá cao. Diện tích đất khai phá vì thế cũng tăng nhanh chóng, từ vài héc-ta sau tăng lên hàng trăm héc-ta, bà con vừa xây dựng nhà cửa vừa trồng các loại rau, hoa mang từ Hà Nội vào”, ông Giản cho biết.
         Sự thành công của những cư dân Hà Đông đã thôi thúc cư dân từ nhiều vùng khác từ miền Bắc, miền Trung vào Đà Lạt hình thành các ấp như: Nghệ Tĩnh, Đa Thiện, Tùng Lâm, Thái Phiên, Vạn Thành, Tùng Lâm... dần đưa Đà Lạt trở thành thành phố nổi tiếng về nghề trồng rau, hoa. Đến những năm 60 của thế kỷ trước, việc trồng chuyên canh hoa theo hướng sản xuất hàng hóa cũng sớm hình thành ở ấp Hà Đông. Giờ đây, khi mà những người thuộc thế hệ đầu tiên đã mất, quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, diện tích trồng hoa chỉ còn vài chục héc-ta phân tán nhưng các thế hệ thứ hai, thứ ba vẫn tiếp tục phát huy truyền thống. Ấp Hà Đông trở thành làng hoa Hà Đông và được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là làng hoa đầu tiên và là làng nghề truyền thống của TP Đà Lạt vào năm 2010.
          Làng hoa Hà Đông hiện có hơn 200 hộ trồng hoa vẫn lưu truyền và phát triển theo tục cha truyền con nối, nhiều người được phong danh hiệu Nghệ nhân.

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,611,041.00