3/20/2020 9:32:00 AM
.

Tháo gỡ khó khăn cho người trồng hoa


(LĐ online) - Từ đầu năm đến nay, nông dân trồng hoa khắp nơi trong tỉnh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do giá các loại hoa liên tục sụt giảm ở mức thấp kỷ lục và kéo dài. Trong khi đó, giá thuê nhân công thu hoạch và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu... vẫn ở mức cao.

Hiện đa số các vựa thu mua hoa trên địa bàn tỉnh đang hoạt động kém sôi động, với sản lượng hoa cung ứng đi các tỉnh chỉ từ 30 – 50% so với mọi năm.
 

Người trồng hoa đang gặp khó

Có mặt tại các vùng trồng hoa trọng điểm huyện Lạc Dương, không khí ở các nhà vườn đến các vựa thu mua hoa tại thị trấn Lạc Dương khá ảm đạm. Giá hoa xuống thấp khiến nhà vườn bị thất thu nặng, nhiều nhà kính hoa hồng nở bung khắp lối vì người dân chẳng buồn cắt khi giá chỉ vào khoảng 500 đồng/bông.

Anh Hoàng Phúc (tổ dân phố Lang Biang, thị trấn Lạc Dương) cho biết: Gia đình anh hiện có 8 sào hoa hồng trồng trong nhà kính đang trong thời kỳ cho thu hoạch rộ. Trung bình, mỗi ngày vườn hoa hồng của anh cung cấp cho thị trường hơn 5.000 cành hoa các loại. Tuy nhiên, hiện các vựa chỉ còn “ăn hàng” cho anh trên dưới 2.000 cành.

Theo anh Phúc, gia đình anh gắn bó với nghề trồng hoa hồng này đã hơn 10 năm. Đây cũng là lần đầu tiên anh chứng kiến cảnh giá hoa hồng sụt giảm và kéo dài như vậy. Đành rằng, giá hoa lên xuống theo diễn biến của thị trường là một chuyện rất đỗi bình thường với người trồng hoa, nhưng việc thị trường tiêu thụ chậm, các vựa giảm mạnh hoạt động thu mua đã đẩy nông dân vào một thế rất khó.

Mặc dù có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu 100% sản phẩm nhưng không còn cách nào khác, anh Phúc vẫn phải chấp nhận giảm giá bán và cả sản lượng cung ứng hằng ngày. “Giá thấp nhưng vẫn có người mua vẫn tốt hơn nhiều so với việc nông dân phải đổ bỏ đi” - anh Phúc nói.

Theo số liệu thống kê, riêng về hoa hồng, toàn huyện Lạc Dương có trên 200 ha, 90% tập trung tại thị trấn Lạc Dương với hơn 50 vựa thu mua lớn nhỏ. Hiện, không chỉ người trồng hoa mà ngay cả các vựa thu mua cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Hồ Thế Quyền - Chủ vựa thu mua hoa QT (thị trấn Lạc Dương) cho biết: Thời điểm này, lượng hoa tiêu thụ trên thị trường đang rất chậm. So với thời điểm trước tết thì nay sản lượng hoa xuất đi đã giảm 70% do các đối tác tại các thành phố lớn đồng loạt giảm đặt hàng.

Theo anh Quyền, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên các hoạt động lễ hội, hội thảo, hội nghị phải hạn chế, thậm chí các lễ cưới cũng bị hủy nên nhu cầu hoa tươi trang trí cũng giảm mạnh. Không chỉ nhà vườn gặp khó mà ngay chính các vựa thu mua cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bởi, trước đó vựa của anh và các hộ nông dân đã ký các hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với giá cố định. Do đó, khi giá hoa xuống thấp, các vựa thu mua vẫn phải thực hiện đúng cam kết hợp đồng đã ký.

“Để đồng hành, cùng nhau vượt qua khó khăn, tôi đã phải vào tận vườn của các hộ dân liên kết, thông tin về tình hình thị trường cũng như đặt vấn đề với nhà vườn chia sẻ về giá và sản lượng hoa cung cấp hằng ngày cho vựa thu mua. Bởi nếu nông dân vẫn giữ đúng sản lượng cung cấp, chúng tôi vẫn phải thu mua nhưng lại không có nơi bán ra thì khả năng là phải đổ bỏ” - anh Quyền cho hay.

Tại TP Đà Lạt, theo nhiều chủ vựa hoa, hiện giá thành các loại hoa đang giảm từ 40 - 50% so với trung bình nhiều năm. Riêng hoa cúc đang dao động từ 1.000 - 1.200 đồng/cành, giảm mạnh so với năm ngoái.

Theo ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12, hiện các hoạt động sản xuất của người dân vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, việc giá các loại hoa xuống ở mức thấp không khiến người nông dân lo lắng bằng thị trường tiêu thụ hiện đang rất chậm. “Thị trường tiêu thụ chậm kéo theo sức mua của các vựa giảm mạnh, nông dân sẽ có tâm lý hoang mang trong việc tìm đầu ra. Chưa kể, khi người dân thấy giá hoa thấp nên không chăm sóc, đến khi giá hoa nhích lên, muốn cắt để bán thì hoa đã già hoặc bị bệnh, nếu bơm thuốc hay thu hoạch thì cũng lỗ vốn”.

Tranh thủ thời điểm hạ nhiệt, nông dân trồng hoa đang đẩy mạnh cải tạo, mạnh dạn chuyển đổi sản xuất sang các giống mới, phục hồi vườn cây

Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những ngày gần đây, có nhiều thông tin phản ánh việc nhiều nhà vườn trong tỉnh đang phải nhổ bỏ hoa vì ế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các vùng sản xuất hoa, số diện tích phải nhổ bỏ rất ít và đa phần đều bắt đầu từ nguyên nhân khách quan.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện nhiều nông dân trồng hoa đang có xu hướng chuyển một phần diện tích sang trồng nông sản ngắn ngày. Đây là việc làm rất linh động, vừa khiến thị trường nông sản Đà Lạt sẽ được bổ sung khoảng 15% sản lượng trong 2 tháng tới và không lo thiếu hụt, trong khi sức mua thị trường đang tăng.
Theo anh Hoàng Phúc, hiện anh cũng đang tiến hành phá bỏ gần 2 sào hoa hồng. Tuy nhiên, đây là diện tích hoa đã trồng lâu năm, màu hoa đã cũ và năng suất cũng không còn cao. “Đây là thời điểm rất thích hợp để nhà vườn tiến hành cải tạo vườn, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sản xuất sang các giống mới hoặc tập trung phục hồi vườn cây sau một quá trình dài thu hoạch”.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương nhìn nhận: Những thách thức về giá cả sụt giảm, thị trường tiêu thụ chậm đang đòi hỏi ngành nông nghiệp và nông dân trên địa bàn huyện phải có những bước đi trong việc chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại một cách toàn diện, để vừa khai thác lợi thế, vừa phát triển ổn định.
Đối với các diện tích trồng hoa cắt cành ngắn ngày như: Cúc, cát tường, khi kết thúc vụ người dân có thể linh hoạt chuyển đổi sang canh tác các loại nông sản ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, lại vừa có tác dụng cải tạo đất, hạn chế tình trạng dịch bệnh tồn dư lâu ngày khi canh tác thuần một loại hoa. Trong khi đó, hoa hồng lại là cây trồng lâu năm, người dân cần tập trung chăm sóc, cải tạo vườn hoa, nâng cấp trồng giống mới thay thế cho những vườn đã cũ, không còn phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: Để hướng đến việc sản xuất hoa bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp kiểm tra tình hình sản xuất và tiêu thụ hoa nội địa cũng như định hướng xuất khẩu. Thời gian qua, địa phương đã xây dựng hồ sơ, xúc tiến hình thành thương hiệu hoa hồng Lang Biang cũng như tìm kiếm và kết nối các doanh nghiệp mạnh tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để về đia phương đầu tư, kết nối tiêu thụ hoa cho bà con, giúp người dân có đầu ra cho sản phẩm, ổn định đời sống, sản xuất.
Ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt nói riêng và cả tỉnh Lâm Đồng nói chung đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản lượng tiêu thụ hiện nay theo tính toán chỉ bằng khoảng 40-50% so với các năm trước.

Thị trường tiêu thụ chậm, các vựa giảm mạnh hoạt động thu mua đã đẩy nông dân vào một thế rất khó
Nguyên nhân là do các chợ đầu mối cũng như những nơi nhập hoa Đà Lạt đều không thể tiêu thụ được nhiều nên xảy ra tình trạng hoa đến thời kỳ cắt không bán được, một vài nhà vườn phải đổ bỏ như hoa hồng, cúc… Một số loại hoa cao cấp hơn như hoa lan các loại thì chỉ bán cầm chừng, chuyển sang cắt cành cho dễ tiêu thụ.

Ngay cả những đơn vị xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng bởi sau khi ban bố đại dịch toàn cầu thì tổng cầu trên thế giới cũng giảm sút. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, những nước đóng cửa biên giới không nhập hàng nên xuất khẩu đứng lại hoàn toàn. Tình trạng nghiêm trọng bắt đầu vào đỉnh dịch, còn trước đó chỉ ảnh hưởng một số ít.

Xác định rõ thực trạng cũng như những khó khăn mà ngành hoa phải đối mặt, Hiệp hội Hoa Đà Lạt cũng đã khuyến cáo nhà vườn phải tính toàn kỹ trong mùa vụ trong thời gian sắp tới. “Dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nên nếu vẫn cứ tiếp tục đầu tư như cũ, không tiêu thụ được sẽ dẫn đến thua lỗ. Vì vậy, trước mắt, nông dân có thể nhân dịp này để cho đất nghỉ ngơi hoặc tiến hành tái cơ cấu, luân canh một số loại nông sản thiết yếu như rau ngắn ngày, các loại củ để tạm thời giải quyết những khó khăn, đảm bảo sản xuất” - ông Phan Thanh Sang chia sẻ.
Hiện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đang tiến hành phát biểu mẫu, lấy ý kiến để khảo sát tình hình của các đơn vị sản xuất trên địa bàn để từ đó nhanh chóng xác định các khó khăn để sớm đưa ra những giải pháp khuyến cáo bà con khắc phục ảnh hưởng của dịch. 

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,614,238.00