4/28/2020 8:29:00 AM
.

Xúc tiến xây dựng thương hiệu ’Hoa hồng Langbiang’


(Lâm Đồng Online) Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu “Hoa hồng Langbiang” ở huyện Lạc Dương được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương, nâng cao thu nhập cho người dân trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; đặc biệt, nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, hạn chế những rủi ro về biến động giá...


Khẳng định vị thế cây trồng số một

Những năm gần đây, nghề trồng hoa hồng được nhiều bà con nông dân trong huyện Lạc Dương ra sức phát triển. Bởi so với các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện, hiệu quả kinh tế từ loại cây này mang lại rất vượt trội. Từ nghề trồng hoa hồng áp dụng công nghệ cao, nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng/ha mỗi năm.

Cách đây khoảng 7 năm, nhận thấy nhu cầu thị trường các loại hoa ngày càng tăng cao, nhất là sản phẩm cây hoa hồng, gia đình anh Hoàng Phúc, thị trấn Lạc Dương đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích gần 5.000 m2 đang sản xuất nông nghiệp ngoài trời để đầu tư nhà kính, trồng hoa hồng theo tiêu chuẩn công nghệ cao. Sau nhiều năm miệt mài lao động sản xuất, đến nay gia đình anh Phúc đã mở rộng diện tích sản xuất lên đến 8.000 m2 hoa hồng trồng trong nhà kính, lợi nhuận từ loại cây này mang lại mỗi năm lên đến cả tỷ đồng.

Theo đánh giá của anh Phúc, huyện Lạc Dương, đặc biệt là khu vực tại thị trấn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây hoa hồng. Người dân chỉ cần đầu tư, trồng và chăm sóc đúng quy trình thì vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập rất cao.

Hiện tại, 50% diện tích hoa hồng của nhà anh Phúc đang được thương lái, các vựa trên địa bàn huyện ký hợp đồng tiêu thụ, số diện tích còn lại, anh Phúc tự đóng hàng xuất đi cho vựa, cửa hàng kinh doanh hoa tươi ở TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bình Dương và TP Bảo Lộc. “Với thị trường tự do, trung bình giá mỗi cành hoa hồng sẽ dao động từ 1.300-1.500 đồng/cành/năm. Đây là mức giá đảm bảo cho người làm vườn luôn có lãi từ 700-800 đồng/cành. Trong khi đó, những hộ liên kết với doanh nghiệp bao tiêu quanh năm thì giá chỉ ở khoảng 1.100-1.300 đồng/cành. Tuy ký hợp đồng bao tiêu thì chỉ một mức giá nhất định, có thấp hơn nhưng cái lợi lớn là sản phẩm không bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống của thị trường”, anh Hoàng Phúc nói.

Cách đó không xa, gia đình anh Đặng Hồng Việt, thị trấn Lạc Dương cũng đang tất bật cắt tỉa cành, chăm sóc, phục hồi vườn hoa hồng hơn 5.000 m2 của mình sau một thời gian dài thu hoạch. Khác với anh Phúc, để có được diện tích trồng hoa hồng trên, anh Việt phải đi thuê đất có sẵn nhà kính đã trồng hồng từ các nhà vườn khác sang lại với số tiền lên đến 1,3 tỷ đồng cho hợp đồng sản xuất 7 năm.

Theo anh Việt, trong khi diện tích, quỹ đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị trấn không còn nhiều, người dân muốn mở rộng trồng hoa thì phải đi thuê đất từ các nhà vườn khác với giá thành khá cao. Đổi lại, nếu chăm chỉ sản xuất, chỉ hơn chừng nửa thời gian hợp đồng là có thể hoàn vốn. “Tôi trồng 5 sào hoa hồng, mỗi ngày cắt khoảng 2.000 - 2.500 bông. Vì được chăm sóc tốt nên việc thu hoạch diễn ra liên tục, giá bán cố định 1.100 đồng/bông. Tính ra, trừ hết chi phí mỗi ngày cũng lãi hơn 1 triệu đồng”.

Nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh

Theo số liệu thống kê, toàn huyện Lạc Dương có trên 200 ha trồng hoa hồng, 90% tập trung tại thị trấn Lạc Dương, còn lại ở một số xã như Đạ Sar, Lát, Đạ Nhim. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là tình trạng người dân ồ ạt chuyển đổi diện tích đất sang đầu tư nhà kính để trồng hoa hồng, kéo theo đó sản lượng hoa trên địa bàn huyện đang tăng nhanh trong khi sức cạnh tranh của thị trường ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương nhìn nhận, với nguồn thu nhập cao từ hoa công nghệ cao, nhiều hộ nông dân trở nên khá giả. Đây là thành quả lớn từ khi hoa hồng bén rễ ở mảnh đất dưới chân núi Langbiang trong những năm qua.

Theo ông Hưng, không phải đến bây giờ, yếu điểm đầu ra cho cây hoa hồng chưa thực sự ổn định và bị thương lái địa phương chi phối. Từ mấy năm trước, vấn đề sản xuất nông nghiệp an toàn, gắn liền với xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương, tạo tiền đề quan trọng để hình thành các mối liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững cho sản phẩm nông nghiệp đã được UBND huyện Lạc Dương nhìn nhận và chú trọng tìm hướng đi, đó là xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, đến nay Phòng Nông nghiệp huyện đang khẩn trương phối hợp với các địa phương và ngành liên quan nghiên cứu, soạn thảo kế hoạch xây dựng, phát triển vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, cũng đang lập hồ sơ đề nghị đăng ký nhãn hiệu chứng nhận lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Hoa hồng Langbiang”.

Việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Hoa hồng Langbiang” sẽ là tiền đề, cơ hội cho huyện Lạc Dương xây dựng và phát triển tổ chức sản xuất một cách bài bản, hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng, tăng độ đồng đều, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất...

Cùng với đó, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân sau khi đăng ký và được cấp phép sử dụng nhãn hiệu này sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng dưới hình thức hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại... nhằm hướng đến việc phát triển kinh tế từ cây hoa hồng một cách bền vững và đem lại hiệu quả cao.
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,614,275.00