2/28/2020 2:15:00 PM
.

Di Linh: Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết trong nông nghiệp


Từ thực tiễn lợi ích mà chuỗi liên kết mang lại, huyện Di Linh đang đẩy mạnh xây dựng mô hình này để tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Các chuỗi liên kết sản xuất cà phê ở Di Linh đang hoạt động hiệu quả

Thực tế cho thấy, nếu không tham gia chuỗi liên kết sản xuất, người nông dân sẽ chịu nhiều ảnh hưởng xấu từ tác động của thị trường: nông sản làm ra tiêu thụ khó, chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào khó kiểm soát, hiệu quả kinh tế thấp, v.v. “Phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp chính là giải pháp giúp người nông dân yên tâm về đầu ra cho nông sản, doanh nghiệp thì chủ động hơn về nguồn nguyên liệu chế biến, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng trở nên thuận tiện” - ông Đặng Văn Khá, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, cho hay. “Tham gia làm ăn với hợp tác xã (HTX), tôi rất yên tâm, không phải lo lắng gì. Phân bón thì hợp tác xã giao tận nhà. Cà phê nhân cũng vậy, hợp tác xã mua tại nhà. Mình chỉ việc trồng, chăm sóc và thu hái cà phê, mọi việc khác đã có người của hợp tác xã lo liệu”, bà Ka Mhải, thành viên HTX Cà phê Lâm Viên, xã Liên Đầm chia sẻ.

Theo bà Ka Mhải, vào hợp tác xã có cái lợi là mua phân bón chung nên không sợ mua phải phân giả, chất lượng phân luôn bảo đảm. Bên cạnh đó, giá các loại phân bón mua tại hợp tác xã lại thấp hơn giá thị trường. Một cái lợi nữa khi tham gia làm ăn với HTX đó là giá cà phê bán cho HTX bao giờ cũng cao hơn thị trường. Chưa kể, tham gia HTX, người nông dân còn được hỗ trợ thêm về kỹ thuật canh tác và vốn sản xuất. “HTX chúng tôi hiện có 33 thành viên. Mỗi năm, đơn vị đứng ra thu mua khoảng 80 tấn mắc ca của các thành viên để chế biến, đóng gói, rồi đưa đi tiêu thụ”, ông Lê Văn Trường, Giám đốc HTX Liên kết Mắc ca Di Linh,xã Đinh Lạc cho biết.

Ông Trường cho biết thêm: “Nhờ có sự liên kết sản xuất nên HTX luôn đảm bảo được số lượng lẫn chất lượng nông sản để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Mỗi năm, HTX Liên kết Mắc ca Di Linh cung ứng ra thị trường khoảng 160 tấn mắc ca thành phẩm”. Trong khi đó, tại xã Sơn Điền, nhiều hộ dân cũng bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. “Chúng tôi đã xây dựng được 10 mô hình liên kết sản xuất. Trong đó, 3 mô hình liên kết sản xuất cà phê, 2 mô hình liên kết trồng cây ăn trái, 3 mô hình liên kết chăn nuôi gia cầm và 2 mô hình liên kết chăn nuôi bò thịt. Ngoài ra, tại xã Sơn Điền, còn có mô hình trồng nấm Tú Trân với 7 hộ dân tham gia. Một tháng nấm Tú Trân sẽ cho thu hoạch một lần, sản lượng một vụ trồng đạt khoảng 750 kg, với giá 30.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi vụ trồng nấm mang lại cho người dân 7,5 triệu đồng tiền lãi”, ông K’Vít, Chủ tịch UBND xã Sơn Điền, thổ lộ. “Tham gia chuỗi liên kết, bên cạnh được đảm bảo về đầu ra, cũng như giá cả, thì các thành viên buộc phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định kỹ thuật trong quá trình sản xuất, nhất là sản phẩm làm ra phải đảm bảo cả chất lượng lẫn số lượng”, bà Nguyễn Thị Mới, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ môi trường Sơn Điền trao đổi.

Ông Đặng Văn Khá cho rằng, mục đích của việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp là để nâng cao giá trị nông sản, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản bằng những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Thời gian tới, huyện Di Linh sẽ phát triển, nhân rộng một số mô hình, như mô hình trồng đinh lăng ở xã Gia Bắc, mô hình trồng bưởi da xanh tại xã Đinh Trang Thượng và mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ở xã Bảo Thuận.

Cát Tiên xây dựng được 15 chuỗi liên kết nông nghiệp

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên, tính đến nay, huyện Cát Tiên đã xây dựng được 15 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Trong đó, 10 chuỗi liên kết sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao; 3 chuỗi liên kết sản xuất rau; 1 chuỗi liên kết sản xuất Diệp hạ châu và 1 chuỗi liên kết trồng dâu nuôi tằm.

Tham gia chuỗi liên kết, ngoài việc được mua vật tư dịch vụ đầu vào có chất lượng tốt, giá thành hạ, nông dân còn được hưởng lợi từ việc tiêu thụ sản phẩm ổn định; qua đó, góp phần nâng cao thu nhập. Hiện, huyện Cát Tiên đang khuyến khích các nông hộ trên địa bàn tham gia chuỗi liên kết sản xuất, nhằm quản lý tốt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ổn định đầu ra, tăng hiệu quả kinh tế.
 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,610,012.00