2/24/2021 8:12:00 AM
.

Đưa măng tây về Lâm Hà


(Lâm Đồng Online)
Qua thời gian tìm tòi học hỏi, tiếp cận nguồn giống và quy trình sản xuất măng tây từ các vùng nông nghiệp Bình Thuận, nhiều hộ nông dân ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi trồng mới hàng loạt diện tích nhà kính đạt những hiệu quả kinh tế bước đầu.

Các hộ gia đình tiên phong trồng măng tây đạt hiệu quả kinh tế cao ở huyện Lâm Hà
  Một ngày đầu năm 2021, phóng viên được dịp tham quan Hợp tác xã (HTX) Măng tây xanh Langbiang, tọa lạc tại thôn Hoàn Kiếm 3, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà. Khu vực sản xuất ở đây phân bổ dọc theo cung đường bê tông chạy dài khoảng một cây số kết nối với đường nhựa chính, xe ô tô các loại ra vào vận chuyển thuận tiện vật tư sản xuất và sản phẩm đầu ra cung ứng cho thị trường. Lúc này đã hơn 10 giờ nên việc thu hoạch trong ngày đã hoàn thành, phóng viên ghi nhận năng suất măng tây đạt cao nhất 100 kg/ha/ngày. Để đối chiếu với “hiện trường”, phóng viên được Giám đốc HTX Nguyễn Văn Đóa hướng dẫn tiếp cận từng luống cây măng tây trong nhà kính đang phủ một màu lá xanh ngát. Ngồi xuống quan sát cận cảnh dưới luống cây còn lại những búp măng có chiều cao dưới một gang tay, đường kính phần gốc gần bằng ngón tay cái, nhưng phải chờ đến sáng hôm sau mới tiếp tục thu hoạch. Giám đốc Đóa tiết lộ: “Măng tây của HTX chúng tôi thu hoạch không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng mà còn phải đạt kích thước chiều cao từ 25 cm trở lên, hình dáng thẳng thớm, không cong vênh đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng tiêu thụ đến hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối và khách hàng bán sỉ trong nước...”.

Theo đó, để có hợp đồng tiêu thụ ổn định với các đối tác nói trên, HTX Măng tây xanh Langbiang đã có một thời gian chủ động kết nối, xây dựng và khẳng định uy tín sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo quy trình canh tác an toàn. Đó là vào giữa năm 2019, nhà nông Nguyễn Văn Đóa đã chọn được nguồn giống măng tây nhập khẩu về từ Mỹ đưa vào sản xuất thử nghiệm trên diện tích khoảng 1.000 m2 ngoài trời ở thôn Hoàn Kiếm 3, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà. Chăm sóc đến hết năm 2019 đi vào thu hoạch, nhà nông Đóa đã đúc kết kỹ thuật chăm sóc phù hợp với khu vực đất sản xuất của mình. Đến đầu năm 2020, nhà nông Đóa cùng một số nhà nông khác vận động, tập hợp tất cả 8 hộ sản xuất trong thôn Hoàn Kiếm 3, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà cùng thành lập HTX Măng tây xanh Langbiang để chuyển đổi 9 ha cà phê sang trồng măng tây, trong đó gồm 3 ha nhà kính. Riêng nhà nông Nguyễn Văn Đóa tiên phong chuyển đổi tất cả 2 ha cà phê sang trồng măng tây nhà kính, được tất cả hộ thành viên tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX.

Đi vào sản xuất đồng trà đồng vụ, HTX Măng tây xanh Langbiang tổ chức ươm cây giống tập trung trước khi phân phối cho hộ thành viên lên luống trồng với mật độ 1.700 cây/1.000 m2. Chăm sóc theo từng công đoạn kỹ thuật chuyển giao trực tiếp từ Giám đốc Nguyễn Văn Đóa, gần 6 tháng sau bước vào thu hoạch đồng loạt hàng ngày hơn 10 kg/1.000 m2 trồng trong nhà kính và khoảng 7 kg/1.000 m2 trồng ngoài trời. Toàn bộ sản lượng thu hoạch được tập kết về HTX trước khi vận chuyển đến khách hàng đã kết nối ngay từ đầu vụ sản xuất theo hợp đồng. Ông Nguyễn Văn Bình, một trong các hộ thành viên vận động thành lập HTX Măng tây xanh Langbiang chia sẻ: “Đồng hành cùng Giám đốc HTX Nguyễn Văn Đóa, hộ gia đình chúng tôi mạnh dạn chuyển đổi 1 ha trong tổng số 3 ha cà phê 25 năm tuổi sang trồng măng tây trong nhà kính và ngoài trời, kết quả ban đầu thu hoạch đạt hiệu quả kinh tế ước tăng đến hơn 10 lần. Bởi vậy, hộ gia đình chúng tôi tiếp tục giới thiệu các hộ gia đình khác tham gia liên kết mở rộng diện tích sản xuất măng tây với HTX Măng tây xanh Langbiang để tăng thu nhập đột phá vươn lên khấm khá hơn nữa...”.

Hạch toán sơ bộ của HTX Măng tây xanh Langbiang cho thấy, trên diện tích 1.000 m2 nhà kính và ngoài trời đầu tư giống, vật tư, thiết bị và công lao động khoảng 200 triệu đồng và 100 triệu đồng. Tính giá tiêu thụ măng tây tươi trong năm 2020 là 50.000 đồng/kg thì việc thu hồi toàn bộ nguồn vốn đầu tư trong 2 năm đối với diện tích nhà kính và 1 năm đối với diện tích trồng ngoài trời. Tiếp theo hàng năm sau đó sẽ đạt doanh thu măng tây bình quân lần lượt diện tích canh tác ngoài trời và nhà kính từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Đến thời điểm cuối tháng 2/2021, HTX Măng tây xanh Langbiang đã hợp đồng liên kết thêm 5 hộ thành viên từ xã Nam Hà đến thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà chuyển đổi 3 ha cà phê già cỗi sang trồng măng tây đang tiến hành thu hoạch tháng đầu tiên. Dự kiến với quy trình chăm sóc ngày càng hoàn thiện phù hợp với đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Lâm Hà, cây măng tây sinh trưởng trong 6 tháng bước vào thời kỳ thu hoạch liên tục đến hơn 7 năm mới xuống giống trồng mới. Đây có thể xem là một triển vọng khả quan về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng mà ngành nông nghiệp huyện Lâm Hà cần hỗ trợ các giải pháp chính sách, giải pháp kỹ thuật để mở rộng vùng nguyên liệu măng tây đặc trưng của địa phương.

 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,615,552.00