10/4/2022 9:55:00 AM
.

Hiệu quả mô hình trồng rau thủy canh ở Đơn Dương


 Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đây chính là điều kiện thuận lợi để huyện Đơn Dương - Lâm Đồng tập trung hình thành và phát triển nhiều vùng tập trung chuyên canh rau của tỉnh. Nhờ không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quy trình sản xuất, những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh phát triển ngày càng nhiều. Trong đó, mô hình trồng rau thủy canh tại địa phương này thời gian qua cũng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cùng Lâm Đồng đẩy mạnh xây dựng thương hiệu: “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Đóng chân tại thị trấn Thạnh Mỹ - huyện Đơn Dương, mô hình trồng rau thủy canh theo hướng VietGap mang thương hiệu Phước Lợi Farm được xem là mô hình điểm của địa phương này. Anh Nguyễn Đức Thắng, chủ nhân của trang trại này cho biết, trước đây gia đình anh là đơn vị chuyên sản xuất cây giống rau các loại để phục vụ cho nông dân trong vùng. Tuy nhiên, với diện tích các vườn ươm cây giống xuất hiện ngày càng nhiều, nên giá thành cây con khi xuất bán phải cạnh tranh, vì thế mà hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu một số mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh, anh Thắng quyết định dành nguồn kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng để đầu tư hệ thống trồng rau thủy canh hết sức hiện đại và tiên tiến, áp dụng quy trình công nghệ theo tiêu chuẩn Châu Âu. Anh Thắng chia sẻ, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh cũng nhận thua lỗ với số tiền đầu tư khá lớn lúc ban đầu. Song với sự kiên trì, chịu khó học hỏi, mô hình trồng rau xà lách theo phương pháp thủy canh của anh bắt đầu đem lại hiệu quả. Với 2,5 sào nhà lưới, nhà kính được lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh của gia đình, bình quân mỗi tháng anh thu hoạch khoảng 3 tấn xà lách thủy tinh để cung cấp cho thị trường, với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí các loại, anh thu lãi khoảng 40 triệu đồng/tháng.

Cùng với Phước Lợi Farm, vườn rau Kiêm Hùng, đóng chân trên địa bàn xã Lạc Xuân - huyện Đơn Dương cũng là một trong những mô hình trồng rau thủy canh đạt hiệu quả cao. Bà Nguyễn Thị Kiêm trang trại rau chia sẻ, mô hình này đã được gia đình bà thực hiện từ năm 2014. Khi mà trồng thủy canh còn khá mới mẻ so với người dân trồng rau trong vùng, nhận thấy hiệu quả kinh tế của mô hình trồng rau thủy canh mang lại, bà Kiêm đã mạnh dạn đầu tư trên diện tích 1 hecta đất chuyên dùng sản xuất nông nghiệp để trồng rau thủy canh. Nhờ biết áp dụng quy trình sản xuất theo công nghiệp tiên tiến hiện đại từ công ty Rijl Zwaan – một đơn vị uy tín của Hà Lan, nên mô hình rau từ trang trại bà Kiêm sản xuất luôn đạt chất lượng về mặt năng suất, an toàn cho người sử dụng. Hiện mỗi tháng, trang trại bà Kiêm sản xuất khoảng 20 tấn rau thủy canh các loại, đạt doanh thu từ 500 đến 600 triệu đồng/tháng. Rau sau khi thu hoạch, được sơ chế, đóng gói và đưa đi tiêu thụ ở các siêu thị, cửa hàng rau sạch trên phạm vi cả nước.

Trồng rau thủy canh là phương pháp trồng cây không cần đất mà chỉ dùng hệ thống nước theo phương pháp hồi lưu, rễ cây sẽ ngâm trong nước đã pha sẵn chất dinh dưỡng giúp cây hấp thụ để sinh trưởng và phát triển. Trồng rau theo phương pháp này sẽ giúp cây nhanh lớn, không có sâu bệnh, sản phẩm rau thu được đạt chất lượng, có mẫu mã đẹp, độ đồng đều cao, tỷ lệ cây sống đạt đến 99%. Đặc biệt, khi áp dụng mô hình này, người nông dân cũng không cần nhiều diện tích đất mà chỉ cần từ 500m đất là có thể đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư ban đầu rất lớn, do đó để tiếp cận với mô hình này, người nông dân phải chuẩn bị được nguồn kinh phí tương ứng với diện tích đất muốn đầu tư, cộng với đó là phải nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để tích lũy nhiều kiến thức về quy trình sản xuất, chăm sóc cây theo hướng khoa học để tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm điện, kiểm soát lượng dung dịch phân thuốc, dịch bệnh nhằm gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
Nhận thấy hiệu quả mà các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mang lại, trong đó có phương pháp trồng rau theo hướng thủy canh, thời gian qua, huyện Đơn Dương đã dành nhiều nguồn vốn để hỗ trợ nông dân trong quá trình phát triển sản xuất. Thống kê 3 năm trở lại đây, huyện đã chi hơn 17,6 tỷ đồng để các hộ nông dân đối ứng đầu tư lắp đặt các hệ thống thiết bị sản xuất tự động như hệ thống tưới tiêu, bón phân tự động, hệ thống trồng rau thủy canh, máy phân tích mẫu đất, nhà xưởng, kho lạnh….Ngoài ra, công tác dự báo thị trường, định hướng đầu ra cho sản phẩm, hoạt động liên kết hợp tác, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cũng được quan tâm hỗ trợ, với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá các sản phẩm nông sản của Lâm Đồng, xây dựng có hiệu quả thương hiệu: “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành”./.


Tuyết Ngọc
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,615,033.00