10/4/2022 8:34:00 AM
.

Lâm Đồng hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững


Với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2025 được triển khai tại Lâm Đồng đã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân tham gia mô hình. Trên cơ sở đồng hành và có sự hỗ trợ của nhà nước và các cơ quan chức năng, thông qua các chính sách hỗ trợ, khuyến khích thực hiện các mô hình hiệu quả để nhân ra diện rộng đã giúp Lâm Đồng trở thành địa phương đi đầu của cả nước về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
 
Xác định nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua việc áp dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, chính là yếu tố quan trọng để ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản xuất. Đó là lý do mà chị Nguyễn Thị Hà Vi, ngụ tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt đã quyết định chuyển đổi phương thức canh tác theo kiểu truyền thống để chuyển sang phương pháp nông nghiệp hữu cơ trên toàn bộ diện tích trồng cà rốt thương phẩm của gia đình. Chị Vi cho biết, mô hình này đã được chị áp dụng từ năm 2015 đến nay, sau khi trồng thử nghiệm trên 2 sào diện tích, nay chị đã mở rộng diện tích lên đến 1,7hecta. Khi áp dụng phương pháp này, chị chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học để bón cho cây trồng, đồng thời loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng các loại thuốc hóa học, thuốc tăng trưởng có hại. Cà rốt sau khi thu hoạch có độ ngon, ngọt, có mùi thơm đặc trưng và điều quan trọng hơn là sản phẩm thu hoạch an toàn, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn cho người sử dụng. Hiện tại vườn cà rốt của chị Vi đang là mô hình áp dụng phương pháp hữu cơ lớn nhất của xã Xuân Thọ và trở thành mô hình điểm cho các hộ nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm. Chị Vi kỳ vọng để cà rốt được trồng theo hướng hữu cơ được tiếp tục phát triển, sẽ có sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ nông dân về các chính sách chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, hoạt động sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, cấp giấy chứng nhận “cà rốt hữu cơ”, góp phần xây dựng thương hiệu “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Hiểu rõ tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ mang lại, không chỉ có gia đình chị Vi, mà hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có rất nhiều nông hộ chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Dưới sự đồng hành và hỗ trợ của nhà nước, nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ đã được triển khai. Đặc biệt, trên cơ sở thực hiện đề án: “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2025” được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, với nguồn vốn kinh phí phân bổ hơn 263 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ ngân sách nhà nước 12,7 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân đối ứng hơn 3,5 tỷ đồng; nhân dân tự thực hiện 247 tỷ đồng. Qua 2 năm triển khai đến nay, nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ đã được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Khi các nông hộ tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sẽ được tập huấn các quy trình: sản xuất không được sử dụng các loại thuốc hóa học, phân bón hóa học, mà phải dùng các loại phân vi sinh, hữu cơ, sử dụng nguồn nước sạch, có sổ ghi chép nhật ký cụ thể…

Theo thống kê của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, nếu như trước đây khi chưa có chương trình khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Lâm Đồng chỉ có khoảng 105 ha diện tích cây trồng được cấp giấy chứng nhận hữu cơ và bán hữu cơ. Tuy nhiên, sau khi triển khai đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2025 ”, diện tích sản xuất được cấp giấy chứng nhận hữu cơ đã tăng lên rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.311ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, tăng hơn 12 lần diện tích so với năm 2020. Diện tích sản xuất tập trung chủ yếu là các mặt hàng nông sản rau, củ, quả, cà phê, cây ăn quả, chăn nuôi…. Theo đó, có nhiều mô hình hữu cơ hiệu quả phải kể đến là mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị - Đà Lạt; mô hình trồng rau hữu cơ của công ty TNHH trồng trọt – thương mại Kim Bằng - Đà Lạt; mô hình trồng măng tây hữu cơ – Lâm Hà; mô hình trồng nấm hương tại Lạc Dương….Ngoài ra, hiện toàn tỉnh cũng có 16 đơn vị được các tổ chức quốc tế và Việt Nam cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, như trang trại bò sữa hữu cơ Organic Đà Lạt - Đơn Dương; trang trại rau Thiên Minh - Đơn Dương; công ty TNHH Jan’S chuyên sản xuất rau tại Lạc Dương….

Có thể nói, với tiềm năng, lợi thế về nguồn đất, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã giúp Lâm Đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thông qua mô hình đã giúp các hộ nông dân áp dụng đúng quy trình sản xuất, sử dụng các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, phù hợp. Qua đó giúp các tổ chức, cá nhân nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản sau thu hoạch, ổn định đầu ra sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cũng như giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái. Đó cũng là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung, để sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại và bền.


Tuyết Ngọc
 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,605,170.00