Hơn 5 năm nhọc nhằn với nghề cơ khí và xây dựng nhưng cuối cùng anh Hồ Quang Huy ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng lại bén duyên với với công việc trồng rau sạch. Điều đặc biệt là với nghề này, anh Huy không chỉ thành công trong việc làm giàu bằng đôi tay và khối óc của mình mà còn tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ nhiều lao động địa phương có công ăn việc làm ổn định.
Chúng tôi đến với tư gia vợ chồng anh Hồ Quang Huy, Nông Thị Kim Thảo tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng vào những ngày đầu tháng 9. Mặc dù là ngày nghỉ lễ nhưng công việc của đôi vợ chồng trẻ này vẫn tất bật, bộn bề. Uống chén trà vội, anh Huy bảo, “sáng sớm các cửa hàng hỏi đặt rau nên em phải chở công nhân đi thu hoạch và đóng rau, không làm sớm thì chiều không kịp chuyển cho khách hàng”. Với dáng người gầy nhỏ nhưng bặt thiệp, Huy chia sẻ với chúng tôi về quá trình trồng rau, những khó khăn và hành trình vượt khó của mình. Không đợi tôi hỏi, anh Huy và chị Thảo “khoe”: “sản phẩm rau của cơ sở em vừa đạt chứng nhận Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành. Đây là vinh dự nhưng cũng đặt ra cho cơ sở nhiều trách nhiệm anh ạ”. Vừa nói vừa hướng dẫn nhân công đóng rau, lựa quả, anh Huy cho biết: sinh ra và lớn lên tại Đức Trọng có bố, mẹ đều là cán bộ nhà nước nhưng dường như nghề nông lại gắn bó với anh không thể tách rời. Trước khi trồng rau, anh Huy làm nghề cơ khí, xây dựng một thời gian dài nhưng cuối cùng anh chọn nghề trồng rau để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2015, với diện tích đất của gia đình để lại, anh Huy mày mò trồng rau, su su, cà chua để cung cấp cho các siêu thị và cửa hàng nhỏ ở địa phương. Vì là dân tay ngang nên việc trồng rau của nhà nông này gặp rất nhiều khó khăn. “ Mình mới vào nghề nên cái gì cũng phải học, từ làm đất, chọn giống cho đến tìm đầu ra cho sản phẩm, quy trình tưới nước, bón phân... Cái gì cũng phải mò mẫm, học trên phương tiên thông tin đại chúng chưa cụ thể thì đến tận các nhà vườn để nhờ họ chỉ thêm để áp dụng cho phù hợp với vườn nhà mình”. Có thể nói, thời gian đầu trồng rau, anh Huy như con ong cần mẫn với những nỗ lực và cố gắng hết mình. Và rồi những nỗ lực của anh cũng được đền đáp bằng những ruộng rau, vườn cà chua, xà lách xanh mướt tít tắp với hàng nối hàng. Trên cơ sở thành công bước đầu, anh Huy tiếp tục mở rộng diện tích để trồng rau sạch. Ngoài đất của gia đình, anh thuê thêm đất với tổng diện tích là 8 ha để trồng rau. Năm 2019, anh Huy kêu gọi nông dân trong vùng liên kết cùng mình trồng rau sạch và thành lập Hợp tác xã Liên Khương với diện tích là 16 ha chuyên trồng trồng rau. Trên diện tích này, anh Huy cùng các nông hộ trồng cà chua, cải thảo, xà lách. Để chủ động thêm nguồn cây giống, gia đình anh Hồ Quang Huy còn dành 2 sào đất để ươm cây giống. Hiện tại, 2 vườn rau của gia đình anh Huy ở Tổ 35 thị trấn Liên Nghĩa và thôn Thái Sơn xã N’Thol Hạ mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 8 tấn rau với các mặt hàng chủ lực là cà chua, xà lách và cải thìa. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các siêu thị trong và ngoài tỉnh, mỗi tuần Hợp tác xã Liên Khương trồng 20.000 cây cà chua, 64.000 cây xà lách các loại.
Để giúp chồng mình trong việc kinh doanh, chị Nông Thị Kim Thảo đã nghỉ công việc ở một ngân hàng để về nhà phụ anh Huy lo việc sổ sách, lên đơn, đóng hàng và kiểm tra rau, củ trước khi xuất đi các siêu thị.
Bắt đầu bằng sự khó khăn nhưng với tinh thần chịu khó, đến nay, cơ ngơi của vợ chồng anh Hồ Quang Huy và Nông Thị Kim Thảo đã khiến nhiều người mơ ước. Bằng việc trồng và kinh doanh rau sạch trong nhà kính, nhà lưới, mỗi năm sau khi trừ chi phí Hợp tác xã Liên Khương thu về lợi nhuận 2 tỷ đồng. Từ nguồn lợi thu về hằng năm, anh Huy đã mua được 3 chiếc xe tải, 1 chiếc xe bán tải phục vụ cho công việc vận chuyển rau cho các siêu thị. Ngoài việc vượt khó vươn lên làm giàu, Hợp tác xã Liên Khương còn giải quyết việc làm cho 30 lao động tại địa phương với mức lương từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Các dịp lễ, tết, do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhiều nên anh Huy phải thuê thêm lao động thời vụ với số lượng là 50 người. Từ tỉnh Sơn La vào Lâm Đồng lập nghiệp, anh Bàng Văn Điều hiện đang làm việc tại Hợp tác xã Liên Khương cho biết: “em mới vào làm ở hợp tác xã cách đây 5 tháng. Công việc của em là lựa chọn cà chua, đóng rau, quả. Lương của em mỗi tháng là 7 triệu đồng, em thấy công việc này phù hợp với bản thân mình hiện tại”.
Không chỉ trồng rau sạch phục vụ nhu cầu thị trường, là người nhanh nhạy, với kinh nghiệm của mình anh Huy đã giúp người dân địa phương chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang rau màu khi họ có nhu cầu. Ngoài ra, trong đợt cao điểm dịch Covid -19, Hợp tác xã Liên Khương đã ủng hộ người dân vùng dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng gần 70 tấn rau. Bên cạnh đó, anh Huy còn hỗ trợ tiền làm đường giao thông tại địa phương, hỗ trợ rau, gạo cho Trại tâm thần Trọng Đức ở xã Bình Thạnh, Đức Trọng.
Chia tay gia đình anh Huy, chị Thảo ra về mà tôi vẫn còn nhiều điều muốn chia sẻ với đôi vợ chồng giàu nghị lực này. Ngoài sự cần cù, chịu khó và không ngừng học hỏi để làm giàu cho gia đình, giúp đỡ xã hội họ còn đó cả một kế hoạch dài hơi trong tương lai. Để dự án thành lập farmstay sớm đi vào hoạt động, hiện, anh Huy, chị Thảo đã dành 4.000m2 đất để dựng nhà gỗ, đào ao thả cá, trồng thêm rau sạch, cây ăn trái để phục vụ khách du lịch. Hy vọng rằng, công trình này sớm hoàn thành qua đó làm cho bản đồ du lịch của huyện Đức Trọng có thêm điểm tham quan, giải trí mới góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
Thành Nam