7/7/2020 7:42:00 AM
.

NÔNG SẢN LÂM ĐỒNG: Giữ vững xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước


(Lâm Đồng Online) Trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau, quả cả nước đạt 1,5 tỷ USD, giảm mạnh về sản lượng lẫn giá trị. Trong khi đó, tại Lâm Đồng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn giữ được đà tăng trưởng ấn tượng, tăng 28% về lượng và tăng 16,5% về giá trị so với cùng kỳ.

Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc (Đà Lạt) kết nối lại với các đối tác về việc xuất khẩu rau thủy canh sang Hàn Quốc trong tháng 7 và 8/2020

Xuất khẩu rau, củ, quả giữ nhịp tăng trưởng

Tại tỉnh Lâm Đồng, dự ước sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng rau, quả sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và một số nước khác trong tháng 6/2020 là 3,1 ngàn tấn và 5,5 triệu USD, tăng 55,5% về lượng và tăng 29,6% về giá trị so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, mặt hàng rau, quả xuất khẩu ước đạt 14 ngàn tấn và 27,1 triệu USD, tăng 28% về lượng và tăng 16,5% về giá trị so với cùng kỳ.

Theo Sở Công thương, sở dĩ hoạt động xuất khẩu rau, củ, quả giữ nhịp tăng trưởng là do thị trường của Lâm Đồng tập trung tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan. Đây là các thị trường truyền thống, có uy tín cao. Các nước này cũng đã thực hiện kiểm soát dịch bệnh COVID-19 rất tốt, thị trường xuất, nhập khẩu nhanh chóng được thiết lập trở lại sau thời gian thực hiện cách ly xã hội.
Dự báo, sau khi khống chế được dịch COVID-19, nhu cầu về lương thực, thực phẩm trong nước và quốc tế sẽ tăng cao. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Lâm Đồng tận dụng để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong điều kiện hậu dịch bệnh.

Ông Tô Quang Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc (Đà Lạt) cho biết: Hiện công ty đã kết nối lại với các đối tác về việc xuất khẩu rau sang Hàn Quốc với tổng cộng khoảng 16 container. Ngay trong tháng 7 và 8/2020, 6 container xà lách đầu tiên của công ty sẽ được xuất đi.

Còn tại Hợp tác xã (HTX) Laba Banana Đạ K’Nàng, ông Nguyễn Huy Phương - Giám đốc HTX cho biết, trong đợt cao điểm dịch COVID-19, sản lượng xuất khẩu của HTX sang Nhật đã giảm từ 5 tấn/ngày xuống chỉ còn 1,5 tấn/ngày. Khó khăn là vậy nhưng HTX vẫn đảm bảo thu mua chuối cho người dân không để đổ bỏ, bởi hiện HTX đã thiết lập được thị trường tiêu thụ trong nước đó là đưa chuối vào hệ thống các siêu thị như Coop Mart, BigC, Vin Mart… với sản lượng mỗi ngày khoảng 3 tấn chuối.

Bên cạnh việc phát triển mạnh thị trường trong nước thì hướng đi chính của HTX vẫn là thị trường xuất khẩu. Với thương hiệu đã có của HTX, ngoài thị trường Nhật, bắt đầu từ tháng 7, HTX đã thực hiện kết nối được nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc để đặt vấn đề xuất khẩu sản phẩm.

Đẩy mạnh phân khúc thị trường trong nước

Dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu rau, quả sẽ tăng trưởng trở lại khi các quốc gia khống chế được dịch COVID-19. Nắm bắt được điều này, các doanh nghiệp trong tỉnh đang tập trung đẩy mạnh sơ chế, hướng tới xuất khẩu rau, quả dạng chế biến.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản An Phú Đà Lạt cho biết: Từ giữa năm 2015, công ty đã thực hiện kết nối thương mại với các đối tác Đài Loan để đàm phán và ký hợp đồng xuất khẩu rau. Theo thỏa thuận, Công ty An Phú Đà Lạt sẽ xuất khẩu các mặt hàng xà lách Mỹ, romen và lơ xanh qua Đài Loan. Ngoài ra, phía đối tác Đài Loan còn chịu trách nhiệm mở rộng thị trường sang Philippines, Indonesia, Malaysia…

Tuy nhiên, theo ông Thành, thị trường xuất khẩu rau, củ, quả sang Đài Loan hiện gặp rất nhiều khó khăn. Dễ thấy nhất là yếu tố cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc; các thủ tục hải quan, các điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu hết sức khắt khe. Trong khi đó, giá trị thương mại mang lại không cao hơn các phân khúc thị trường trung bình trở lên mà công ty đang cung ứng trong nước.

Chính vì vậy, thay vì cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu, công ty tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến hệ thống cao cấp như siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm cao cấp.

Hiện nay, An Phú Đà Lạt có 3 trang trại rộng khoảng 10 ha ở vùng núi Đạ Nghịt, trong đó có 5 ha nhà kính, được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun hiện đại vừa tiết kiệm nước, vừa cung cấp dinh dưỡng tối đa cho cây trồng và tránh được hiện tượng phân bị rửa trôi.

Công ty chuyên canh tác đậu Hà Lan, dưa leo babi, cà chua, ớt ngọt các loại xà lách... được nhập từ Mỹ và Đài Loan, quá trình canh tác không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Để nâng cao giá trị sản phẩm, sau thu hoạch, An Phú Đà Lạt đầu tư 50.000 USD nhập khẩu hệ thống xử lý đông lạnh rau, đậu hiện đại nhất hiện nay tại Việt Nam. Trong 30 phút, máy có thể xử lý, làm lạnh, hút chân không được 800 - 1.000 kg rau. Việc xử lý hoàn toàn tự động theo lập trình cho từng loại rau, củ, quả; nước trong đậu, rau được rút ra bớt và khí lạnh được bơm vào bao bì. Đậu, rau củ qua xử lý có thể bảo quản được 30 ngày, vẫn giữ nguyên chất lượng.

Theo ông Tô Quang Dũng, song song với việc xuất khẩu, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân cũng được xem là giải pháp hiệu quả để tiêu thụ nông sản địa phương. “Muốn xuất khẩu tốt, trước hết các doanh nghiệp Việt Nam phải chiếm lĩnh được thị trường nội địa, phải cho đối tác, khách hàng nước ngoài thực sự biết đến chất lượng của nông sản Việt ngay từ trong nước”, ông Dũng nói. 

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,615,782.00