12/2/2021 4:49:00 PM
.

Sản xuất Rau Đà Lạt chất lượng cao đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng


Ông Võ Tiến Huy (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) là người đã “chèo lái” đưa Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Huy có doanh thu hàng chục tỷ mỗi năm nhờ cung cấp rau, củ, quả chất lượng cao mang thương hiệu “Rau Đà Lạt” cho hàng loạt siêu thị trong cả nước.

Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, nhưng ông Võ Tiến Huy đang bận rộn với các đơn hàng từ các đối tác. Khoảng sân phía trước căn nhà gia đình anh Huy cũng được tận dụng để sơ chế, đóng hàng. “Dù dịch bệnh nhưng HTX chúng tôi vẫn duy trì công nhân để sơ kết, đóng gói các loại rau, củ, quả để chuyển đến đối tác theo yêu cầu. Dịch đang phức tạp nên toàn bộ lái xe đến kho của chúng tôi chở hàng đều không được rời khỏi cabin. Sẽ có lực lượng khử khuẩn rồi bốc hàng lên xe sau đó đưa đến nơi tiêu thụ để đảm bảo phòng chống dịch”, ông Huy chia sẻ.
 

Cầm những quả rớt chuông chuẩn bị đưa đến cho bạn hàng, ông Huy cho biết: “Vào năm 2006, tôi có cửa hàng sửa chữa, cung cấp thiết bị điện tử khá ổn tại huyện Đức Trọng. Nhưng tôi cũng có một ông anh làm nông nghiệp tại TP Đà Lạt. Thời điểm đó, anh ấy làm rau xuất khẩu đi Malaysia, Singapore nên khá ổn định. Nhiều lần nói tôi về làm cùng anh ấy, thấy tiềm năng nên tôi đã quyết định làm thêm “món” nông sản này.

Căn nhà ở hiện tại cũng như đất đai của gia đình được tôi thế chấp lấy 1,5 tỷ đồng để hùn vốn làm ăn. Quá trình làm ban đầu thì không vấn đề gì, khá ổn định, nhưng sau đó chúng tôi đã bị lừa khoảng 15 tỷ đồng tiền khi bạn hàng thông báo toàn bộ số hàng đưa sang Singapore bị hưng hỏng. Vì quá xa xôi, nếu qua bên đó kiện thì lại tốn đủ các chi phí, hơn nữa họ đã cố tình làm như vậy thì đã chuẩn bị hết mọi thứ rồi nên chúng tôi đành chấp nhận “bỏ” và quyết làm lại từ đầu”.
 

Cũng từ lần đó, ông Huy phải lao đao với số tiền nợ thế chấp nhà trong khi lãi suất 22% một năm. Người cho anh thế chấp nhà và đất đã từng đến yêu cầu, đưa thêm cho ông Huy thêm 500 triệu nữa, coi như ông Huy bán căn nhà và đất với giá 2 tỷ đồng. Thế nhưng, ông Huy không chấp nhận và lao vào “cày cuốc” để làm lại.

Ông Huy tiếp tục xuống giống các loại rau, củ, quả để xuất bán. Sau đó, có nhiều người xin vào làm vì vậy tạo thành một nhóm chuyên các loại nông sản. Thế nhưng, ông Huy lại nghĩ việc sản xuất nhỏ lẻ như vậy khiến tư cách pháp nhân của người dân không được cao. Chính vì vậy, ông đã chuẩn bị hồ sơ, xin thành lập HTX nông nghiệp Tiến Huy.

Đến nay, HTX nông nghiệp Tiến Huy có 11 thành viên, cùng 40 hộ liên kết sản xuất, tổng diện tích đất sản xuất hơn 45ha. Những hộ liên kết đều nhận được kế hoạch sản xuất cụ thể để đảm bảo nguồn cung cấp rau thương hiệu Rau Đà Lạt cho các đối tác. HTX đã xây dựng thành công mô hình phối hợp kiểm soát theo chuỗi an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau củ quả và được cấp chứng nhận VietGAP. “Hiện chúng tôi đang liên kết với người dân sản xuất theo huớng bảo hộ. Có nghĩa là những xã viên sẽ trực tiếp làm việc, hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì hàng tuần siêu thị sẽ lấy mẫu để test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nên các quy trình trồng rau, củ, quả phải đảm bảo tuyệt đối”, ông Huy nói.

Trực tiếp đến cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm của HTX Tiến Huy, chúng tôi mới thấy được chất lượng của các sản phẩm được sản xuất. Các mặt hàng đều rất tươi, dán tem đúng quy chuẩn và đóng gói cẩn thận trước khi vận chuyển. Hiện nay, HTX Tiến Huy đã tìm ra thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho 80% nông sản.

Cũng theo ông Huy, nông sản của nông hộ được thu mua theo giá thị trường thỏa thuận từ trước. Nếu giá thị trường sụt giảm 30% so với giá thỏa thuận thì người nông dân sẽ phải chịu giảm giá khoảng 10%. Ngược lại, nếu giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận từ trước 30% HTX sẽ hỗ trợ giá thêm cho nông dân. Điều này nhằm đảm bảo những nông hộ tham gia chuỗi liên kết lúc nào cũng được lợi hơn tự sản xuất đại trà…Từ đó nông sản có giá cả ổn định quyền lợi của người nông dân được đảm bảo, các nông hộ yên tâm sản xuất.

Trong mùa dịch Covid-19, HTX Tiến Huy thường xuyên đưa những chuyến xe nông sản đến các vùng dịch đang giãn cách để làm thiện nguyện. Bên cạnh đó, thu mua nông sản làm thiện nguyện với giá gốc để đưa đến vùng giãn cách.

“Đến nay, mỗi ngày chúng tôi cung cấp các loại nông sản an toàn với hơn 10 tấn mỗi ngày đến các siêu thị. Năm 2020, HTX đã cung cấp ra thị trường 4.000 tấn rau, mang lại doanh thu 18 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí đạt lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng. Ngoài liên kết với người dân, chúng tôi còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 người, mức lương từ 6-7 triệu đồng/tháng”, ông Huy chia sẻ.

HTX Tiến Huy đang ngày càng củng cố và mở rộng thị trường trong cả nước. Vì vậy việc tạo dựng chất lượng cao cho sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đang là vấn đề được đặt ra hàng đầu đối với HTX. Nhất là bảo đảm uy tín và lan toa thương hiệu “Rau Đà Lạt”.

VĂN LONG
 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,617,650.00