3/23/2020 7:59:00 AM
.

Tăng cường kết nối, không để nông sản thiếu hụt


(LĐ online) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt và các huyện phụ cận, các loại rau củ quả đang được chú trọng canh tác, sản lượng và giá cung ứng cho thị trường tương đối ổn định, không có biến động lớn.
Nông sản Đà Lạt và các vùng lân cận có sản lượng và giá cả tiếp tục bình ổn trong thời gian tới

Thực hiện nghiêm 7 nhiệm vụ từ Chỉ thị số 11, UBND tỉnh Lâm Đồng đã huy động các nguồn lực và cùng Nhân dân tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc tăng cường kết nối giữa các vùng sản xuất hàng hoá với nơi tiêu thụ, không để hàng hoá thiếu hụt, đặc biệt là nông sản đang được chú trọng thực hiện.

Theo ghi nhận, với sức mua tăng, sản lượng giảm ở thời điểm đầu tháng 2/2020 (sau tết) đã khiến các loại nông sản phồ biến dùng trong bữa ăn hàng ngày tăng giá mạnh. Tuy nhiên, đến nay giá nông sản Đà Lạt và các huyện lân cận đã trở lại bình thường, không khác biệt so với cùng thời điểm năm 2019.

Ông Nguyễn Công Thừa - Tổng Giám đốc HTX Anh Đào (Anh Đào Co.op), đơn vị cung ứng nông sản sạch khoảng 50-80 tấn/ngày cho các siêu thị, đối tác xuất khẩu cho biết sản lượng các loại nông sản không có biến động lớn so với thời điểm này năm 2019. Hiện, nguồn cung nông sản trên địa bàn không khan hiếm, sản lượng nhiều loại nông sản tăng, không lo thiếu hụt và giảm 10-20% so với cùng kỳ tuỳ loại ở cả mảng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Trong khi đó, đại diện Công ty Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng), doanh nghiệp chuyên cung ứng các loại nông sản sạch cho hệ thống siêu thị và chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh biết: Sản lượng các loại rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP trên địa bàn huyện tới thời điểm này chưa có biến động lớn, thậm chí một số loại nông sản tăng hơn so với cùng kỳ nên không lo thiếu nguồn cung. Đồng thời, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho hệ thống các siêu thị và các chợ nông sản nhỏ lẻ.


Thời tiết thuận lợi, hầu hết các loại nông sản Đà Lạt và các vùng phụ cận đang có sản lượng tốt

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng khẳng định sẽ không thiếu hụt nông sản từ Đà Lạt và các vùng lân cận, đồng nghĩa với việc giá cả nông sản sẽ tương đối ổn định, nếu có tăng cũng sẽ tăng nhẹ ở các thị trường không thường xuyên của vùng nông sản Đà Lạt. Mức tăng này tương ứng với phí vận chuyển. Theo ông Sơn, việc giao thương với Trung Quốc bị gián đoạn do dịch bệnh làm thị trường nông sản phía Bắc bị hụt một lượng lớn. Tuy nhiên, điều này không khiến thị trường nông sản nóng lên.

Ông Sơn lý giải: Khi dịch bệnh xảy ra, các loại nông sản xuất khẩu mạnh trước đóng biên với Trung Quốc như ớt chuông, cà chua, khoai tây, tỏi…bị ùn ứ không xuất khẩu được. Do đó, nhiều nông hộ đã chuyển sang trồng các loại nông sản phổ thông, là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Việc chuyển đổi này diễn ra trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Như vậy, khoảng 2 tuần tới, thị trường sẽ được bổ sung khoảng 20% sản lượng từ quá trình chuyển đổi canh tác này.

Với đà tăng sản lượng như hiện nay thì sức mua có tăng gấp đôi thì cũng không lo thiếu hụt nông sản. Đó là chưa kể đến các tỉnh thành đều có vùng rau không lớn nhưng có khả năng cung cấp nội vùng rất tốt. Theo ông Sơn, vấn đề cần giải quyết là đảm bảo xe, tuyến vận chuyển cho các tỉnh phía Bắc. Trước đây, phía Bắc không phải là thị trường ổn định của vùng nông sản Đà Lạt cho nên trong đợt dịch này để cung ứng nông sản cần phải tổ chức lại hệ thống vận chuyển.

“Đối với các doanh nghiệp cung ứng nông sản lớn của Đà Lạt, đây là cơ hội để mở rộng thị trường và mở rộng vùng sản xuất, kinh doanh nên vấn đề bắt tay với các nhà phân phối phía Bắc để tổ chức vận chuyển, kho bãi không phải là vấn đề lớn”- ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, trong bối cảnh hiện nay, nông sản Trung Quốc mất thế cạnh tranh với nông sản nội địa nói chung và từ Đà Lạt nói riêng, cho nên vùng nông sản Đà Lạt đã lên kế hoạch tăng sản lượng để mở rộng tối đa khả năng kinh doanh và tăng nhận diện với người tiêu dùng trong nước nhằm nắm giữ thị trường khi tình hình trở lại bình thường.

Hiện, diện tích nông sản Đà Lạt hơn 3.000 hecta, có thể nói đây là vụ có diện tích lớn nhất so với cùng thời điểm các năm. Với diện tích này, mỗi tháng Đà Lạt cung ứng khoảng 10.000 tấn nông sản. Mỗi ngày, các công ty cung ứng nông sản có khả năng chi phối thị trường và xuất đi trên 200 tấn rau, củ. Sản lượng xuất bán này chưa thống kê đối với các tiểu thương nhỏ lẻ. Những địa phương có vùng chuyên canh trồng rau củ như TP Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương dự báo những loại nông sản có thể thiếu hụt trong thời gian tới do sức mua tăng là nhóm nông sản phổ biến gồm các loại xà lách, hành lá, cải, khoai tây, khoai lang, dưa leo, cà rốt… Các địa phương đã có kế hoạch điều phối sản xuất để tăng sản lượng đối với các loại nông sản này. Đồng thời, hạn chế trồng nông sản thuần xuất khẩu để tránh khủng hoảng thừa.  
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,610,427.00