1/8/2021 8:00:00 AM
.

Vùng rau công nghệ cao Lạc Lâm


(Lâm Đồng Online) Sau khi được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông dân xã Lạc Lâm (Đơn Dương) đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư, mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới để làm giàu, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân địa phương được nâng lên.

Việc được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là tiền đề để Nhân dân Lạc Lâm mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư, mở rộng sản xuất
 Lạc Lâm là một xã có truyền thống sản xuất các loại rau thương phẩm lâu năm, người nông dân cần cù, có kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại rau thương phẩm.

Ông Trương Quang Kiên, Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm cho biết, trong giai đoạn qui hoạch, hình thành và rà soát các tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn toàn xã, Nhân dân đã ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất như nhà lưới, nhà kính với diện tích là 80 ha/470 ha diện tích đất sản xuất. Nhân dân tại 3 thôn trong vùng gồm: Lạc Thạnh - Quỳnh Châu Đông - Hải Hưng sản xuất trong nhà lưới, nhà kính là 40 ha (chiếm tỷ lệ 50% của toàn xã).

Đến nay, vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao thôn Lạc Thạnh, Quỳnh Châu Đông, Hải Hưng - xã Lạc Lâm đã đạt các tiêu chí của vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và được UBND tỉnh công nhận. Xã Lạc Lâm hiện có 2 HTX Rau sạch VietGAP Lạc Lâm và HTX hoa Quốc Cường; sản lượng rau trong vùng được tiêu thụ thông qua hợp đồng đạt 60%; chủ yếu là các loại rau xà lách, cải bắp, cà chua, ớt ngọt, ớt cay, hành tây, khoai tây.

Trong vùng có 19 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 100% nông hộ (180 hộ) có cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Năng suất tại vùng sản xuất rau công nghệ cao đạt 266,9 tạ/ha/năm, cao hơn 33,8% so với bình quân chung toàn tỉnh. Hoạt động bảo vệ môi trường trong canh tác nông nghiệp luôn được người dân chú trọng, 100% nông hộ không sử dụng các loại phân bón từ xác bã động thực vật chưa qua xử lý, thực hiện tốt việc vệ sinh đồng ruộng. Việc trồng cây xanh dọc theo các tuyến đường, dải phân cách để tạo cảnh quan đẹp, góp phần cải thiện môi trường luôn được thực hiện đồng bộ với hệ thống giao thông.

Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, lên luống và tưới tự động đã được người dân thực hiện 100% với quy mô, diện tích khoảng 117,87 ha. Nhiều hộ dân đã mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào quy trình sản xuất như: Cung cấp chất dinh dưỡng qua hệ thống tự động hoặc bán tự động, sử dụng các hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới nước kết hợp châm phân tự động, hệ thống phun thuốc phòng trừ dịch bệnh bằng hệ thống tự động hoặc bán tự động…

Từ thời điểm được công nhận, tính đến nay tuy mới hơn 4 tháng nhưng Nhân dân trong vùng rất phấn khởi vì được các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm đến vùng bằng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vùng như: đầu tư hỗ trợ các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, ưu đãi lãi suất theo chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ.

Nông dân Bùi Ngọc Cung, thôn Lạc Thạnh chia sẻ: Từ năm 2014, gia đình ông đã làm nhà lưới, áp dụng tưới tự động, nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống. Đến năm 2016, tôi tích lũy thu nhập, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng nhà kính sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhờ đó thu nhập bình quân hàng năm khoảng trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Cung, việc được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông dân rất vui mừng, phấn khởi, bởi được đầu tư hỗ trợ, xây dựng các tuyến đường bê tông nội đồng, làm cho diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng được nâng lên. Ngoài ra, ưu đãi cho nông dân vay vốn lãi suất theo chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Ông Trương Quang Kiên - Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm phấn khởi, được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là tiền đề để Nhân dân trong vùng mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư, mở rộng sản xuất. Minh chứng là diện tích ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới trên địa bàn xã đã tăng khoảng 15 ha so với thời điểm trước khi công nhận và trong thời gian tới sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn.

UBND xã Lạc Lâm đã và đang liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, các hợp tác xã trong và ngoài địa phương để hình thành cơ sở sản xuất và chế biến sau thu hoạch như Công ty DALA GROUP, từ đó nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm trên một đơn vị sản xuất. Lạc Lâm phấn đấu đến năm 2025, giá trị thu hoạch bình quân trên 1 ha sản xuất rau trong vùng sản xuất công nghệ cao đạt 700 triệu đồng/ha/năm - ông Kiên cho hay.

 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,617,492.00