8/11/2020 7:57:00 AM
.

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN CÁT TIÊN LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025 Hướng tới một nền nông nghiệp có hàm lượng chất xám cao


(Lâm Đồng Online) Thoát khỏi “vỏ kén” an toàn, hướng tới một nền nông nghiệp có hàm lượng chất xám cao, công nghệ hiện đại và lấy sự ổn định trong thu nhập của người nông dân làm nền tảng, yếu tố căn bản này đã giúp cho nền nông nghiệp của huyện Cát Tiên có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Mô hình nuôi cá nước ngọt chất lượng cao ở xã Gia Viễn. Ảnh: L.Hoa

Trong vòng 5 năm trở lại, bằng sự thay đổi mạnh mẽ, nền nông nghiệp Cát Tiên đã khiến cho rất nhiều người hoài nghi phải thay đổi cách nhìn bởi sự vào cuộc mạnh mẽ, phù hợp với đặc thù của một huyện thuần nông, cũng như điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Điều này, một lần nữa khẳng định việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết số 05/NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại (giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025) và được cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 44-KH/HU của Huyện ủy Cát Tiên trên thực tế đã mang lại hiệu quả cao.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Phúc: Ngành nông nghiệp Cát Tiên tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, chính là việc luôn đảm bảo được cơ cấu nông nghiệp hợp lý, tập trung vào các cây trồng chủ lực; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thu hút đầu tư và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung.

Minh chứng rõ nét cho sự thay đổi của nông nghiệp Cát Tiên chính là giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đều tăng dần qua từng năm. Từ xấp xỉ 67 triệu đồng/ha năm 2016 đến 68 triệu đồng của năm 2019 và 2020 đạt 70 triệu đồng/ha. Con số không cao nếu đem so sánh với những địa phương có điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ sản xuất cao khác. Nhưng đây lại là con số đầy khích lệ đối với Cát Tiên, một huyện trước đây chỉ trông chờ vào sản xuất lúa truyền thống cũng như một diện tích lớn cây điều già cỗi.

Ông Trần Quang Trừng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cho biết: “Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ phù hợp với định hướng, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, thực hiện liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đã góp phần tăng năng suất lúa. Đồng thời duy trì và phát triển diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống, lúa hữu cơ tại các vùng trọng điểm lúa theo quy hoạch. Đặc biệt, việc chuyển đổi được hơn 4.300 ha (chiếm gần 22% tổng diện tích gieo trồng) diện tích ứng dụng công nghệ cao trong tổng số 20.000 ha diện tích gieo trồng đã giúp cho giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích được nâng dần lên theo từng năm”.

Với điều kiện hạ tầng, điểm xuất phát thấp và nhiều lý do khách quan khác, để mong muốn nông nghiệp Cát Tiên có sự phát triển thần tốc chắc chắn là điều không thể. Chính vì lẽ đó, Huyện ủy, UBND huyện và các cơ quan chuyên môn luôn xác định hướng đi chủ động cho nông nghiệp của huyện. Bởi một nền nông nghiệp thiếu chủ động sẽ luôn dẫn tới những hệ quả thiếu cân bằng và bền vững.

Sự chủ động đó được thể hiện bằng việc luôn duy trì và phát triển diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống, lúa hữu cơ; xây dựng các vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; cung ứng ngày càng nhiều sản phẩm mang thương hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên” trên nhiều thị trường. Đồng thời, xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực, có ưu thế để tập trung phát triển gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế hợp tác, liên kết trong nông nghiệp.

Là một huyện có diện tích gieo trồng không lớn, tuy nhiên Cát Tiên lại là địa phương có tới 18 hợp tác xã nông nghiệp, 36 tổ hợp tác và hình thành được 15 chuỗi liên kết sản xuất. Không chỉ với riêng Cát Tiên, đây còn là con số đáng mong đợi của nhiều địa phương khác. Việc hình thành các tổ chức hợp tác, các chuỗi liên kết sản xuất, chứng tỏ địa phương đó đã bắt đầu có được sự chủ động trong sản xuất, xác định được hướng đi cụ thể cho riêng mình, đồng thời nắm rõ được ưu thế cũng như điều kiện thuận lợi trong lộ trình phát triển.

Thêm một tín hiệu đáng mừng nữa với Cát Tiên, ngoài cây lúa đã mang thương hiệu, để tạo ra sự cân bằng và hài hòa trong phát triển nông nghiệp, huyện cũng đã mạnh dạn tìm kiếm, cũng như đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh việc duy trì ổn định những loại cây trồng lâu năm, quen với thuộc tính sản xuất của người dân như cây điều, Diệp hạ châu, huyện cũng đã tập trung lồng ghép các chương trình, dự án với các hạng mục hỗ trợ đầu tư để người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như dâu tằm, cây ăn trái từ nguồn vốn nông thôn mới, nguồn vốn sự nghiệp hàng năm và bước đầu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Không những thế, huyện Cát Tiên còn khuyến khích người dân tại các xã ven sông Đồng Nai phát triển, mở rộng các vùng chuyên canh sản xuất rau với diện tích trên 500 ha; liên kết với các công ty ngoài tỉnh hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hạt giống trên 10 ha tại các xã như Đức Phổ, Quảng Ngãi và thị trấn Cát Tiên.

Lĩnh vực chăn nuôi của huyện cũng đã bước đầu gặt hái được những thành quả khi phát triển tổng đàn theo hướng quy mô gia trại, trang trại trên địa bàn. Việc lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ nâng cao chất lượng, thể trạng đàn bò bằng cách thụ tinh nhân tạo các giống bò ngoại có chất lượng cao như Brahman, RedAngus...; đồng thời thực hiện quản lý, theo dõi nguồn gốc đàn bò bằng việc bấm số tai, tạo nguồn giống bò lai chất lượng cao cung cấp với số lượng lớn cho thị trường, cũng như phục vụ trực tiếp cho các chương trình dự án tại địa phương, qua đó tăng được giá trị, sự hiệu quả, tiết kiệm được chi phí trong chăn nuôi.

“Thành công bước đầu của nền nông nghiệp Cát Tiên còn có dấu ấn không nhỏ của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Nhiều loại giống mới thường xuyên được sử dụng, các trang thiết bị máy móc nông nghiệp mới được đưa vào sản xuất, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học đã giúp cho: gạo hữu cơ, gạo an toàn VietGAP, cây Diệp hạ châu tiêu chuẩn GACP, bò giống có nguồn gốc... mang thương hiệu Cát Tiên không những đáp ứng nhu cầu mà còn tạo được tiếng vang trên thị trường”, ông Trần Quang Trừng cho biết thêm.

Ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và giá trị cao; tập trung các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất và xem đó là bước đột phá, lấy sự ổn định đời sống của người nông dân làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, đây có thể xem là bàn đạp cần thiết, hội tụ được các yếu tố cần và đủ để nông nghiệp Cát Tiên có được lộ trình phát triển nhanh theo đúng nghĩa toàn diện, bền vững như kỳ vọng.  
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,609,786.00