9/25/2019 8:05:00 AM
.

Đưa cúc giống ngược về xứ ngàn hoa


(Báo Lâm Đồng)
Mỗi ngày, hàng ngàn cây cúc giống được vận chuyển từ vườn ươm, ngược cung đường đèo D’ran thơ mộng về bén rễ trên các vùng chuyên canh hoa cúc tại TP Đà Lạt.
 
Anh Nghiệp cho biết, vườn ươm có thể mang lại lợi nhuận ổn định khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng trong thời gian tới
Anh Nghiệp cho biết, vườn ươm có thể mang lại lợi nhuận ổn định khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng trong thời gian tới
Sau nhiều đắn đo, vợ chồng anh Nguyễn Văn Nghiệp (41 tuổi) ở thôn Châu Sơn, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương  quyết định xây dựng nhà kính trên diện tích gần 8 sào của gia đình để  làm vườn ươm, nhưng không phải ươm cây giống rau các loại như thông thường, mà ươm hoa cúc.
“Trên 95% cây giống được cung cấp cho nông dân ở các vùng trồng hoa ở Đà Lạt, các tỉnh miền Tây, miền Trung… Trung bình mỗi tháng chúng tôi sản xuất hơn 3 triệu cây giống, trong đó có 50% là bán thẳng chồi non cho những vườn ươm khác”, anh Nghiệp cho hay.
Lý giải về lựa chọn khác biệt của mình, anh Nghiệp cho biết, những năm trước, gia đình anh cũng trồng các loại rau như cà chua, ớt, bắp sú… như người khác ở Lạc Xuân. Thế nhưng liên tiếp những năm gần đây, trước biến động của thời tiết và thị trường, nhiều vụ rau chỉ gỡ đủ vốn, đặc biệt là những lần sâu bệnh liên tiếp trên cây cà chua. 
Tình cờ, anh Nghiệp được tham gia vào các chương trình hỗ trợ canh tác rau - hoa theo hướng an toàn và bền vững, quản lý dịch hại trên rau - hoa do Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức. Hiểu thêm về các loại bệnh và chế độ dinh dưỡng trên cây trồng cũng như sử dụng các sản phẩm phòng trừ dịch hại sinh học và dinh dưỡng hữu cơ đảm bảo chất lượng để phục vụ trong canh tác nông nghiệp, anh mạnh dạn đầu tư.
Mặc dù đã được trang bị kỹ thuật cũng như đầu tư nhà kính dùng màng bọc chuyên chống bọ trĩ, anh vẫn vấp phải thất bại. Bởi cây giống sau khi phân tích vẫn mang mầm bệnh đốm sọc, buộc phải hủy toàn bộ. Không nản lòng, anh tiếp tục nghiên cứu và thấy rằng mầm bệnh trên cây hoa cúc tương tự như virus gây hại trên cây cà chua. Với sự hướng dẫn của những kỹ sư giàu kinh nghiệm, anh đã thành công khi tạo ra được giống cây sạch bệnh và ở thời điểm hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
“Mình phải chấp nhận chi phí đầu tư cao cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật bởi chỉ khi hiểu thật rõ mình đang làm những gì thì mới có thể chắc chắn thành công. Nhưng bên cạnh đó phải đảm bảo rằng hướng đi mình đang theo đuổi là bền vững. Đồng thời cũng tuân thủ quy tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Khi làm việc dựa trên cơ sở khoa học, áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật thì chắc chắn sẽ thành công”, anh Nghiệp chia sẻ.
Ghé thăm vườn ươm của gia đình anh Nghiệp vào một buổi chiều tà, công nhân trong vườn việc ai nấy làm một cách thành thục. Từ cắt, giâm chồi, nhổ cây, đóng thùng… đều rất khẩn trương. Anh Nghiệp cho biết, vì mới chính thức đi vào hoạt động khoảng nửa năm nên vườn ươm vẫn đang trong quá trình dần hoàn thiện. Trong đó, công nhân được hướng dẫn kỹ càng, nhận làm khoán theo số lượng vỉ. Mỗi ngày, 17 người liên tục thực hiện từng công đoạn, như đã thành quen. Hầu hết lao động là người địa phương có kinh nghiệm làm nông nên không mất nhiều thời gian hướng dẫn. 
Mỗi tháng, bình quân thu nhập của công nhân trung bình khoảng 10 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Xuân, hiện nay, việc sản xuất rau thương phẩm khá bấp bênh khiến một số nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại hoa như cúc, cát tường, cẩm chướng,… Với cây hoa cúc, chỉ một vài hộ dân áp dụng nhưng với tâm lý còn rụt rè, chưa dám mạnh dạn đầu tư bởi lo ngại trước những thông tin về dịch bệnh tràn lan ở Đà Lạt. Nhiều trường hợp nhập cây giống ở Đà Lạt về trồng nhưng thất bại. Với vườn ươm hiện có ở địa phương, sau những lần kiểm tra chất lượng và đưa vào trồng, cây sạch bệnh, phát triển tốt. Bên cạnh đó, anh Nghiệp còn đồng hành cùng người nông dân, hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ… Có thể trong thời gian tới, đây sẽ là hướng đi được nhiều người nông dân trên địa bàn áp dụng. 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,616,400.00