7/18/2019 3:30:00 PM
.

Hành trình tìm lại “vương miện” trên xứ sở sương mù


 Có một thực tế là với diện tích không tập trung, sản lượng Moka hằng năm thu được ở Cầu Ðất vô cùng hạn chế nên  không thể cung cấp cho hàng loạt các hãng, các thương hiệu cà phê rang xay như quảng cáo hiện nay. Nhưng với sự tâm huyết, ở đâu đó trên mảnh đất này vẫn còn có những con người tâm huyết, dày công gầy dựng lại một vùng cà phê ngon trứ danh…
 
Một số cây cà phê Moka đã được Chi cục trồng trọt và BVTV tiến hành khảo sát, chọn lọc làm cây đầu dòng, hướng đến nhân giống trong tương lai.
Một số cây cà phê Moka đã được Chi cục trồng trọt và BVTV tiến hành khảo sát, chọn lọc làm cây đầu dòng, hướng đến nhân giống trong tương lai
 
Moka Cầu Ðất có thực sự còn?
 
Trong dòng Arabica Việt Nam, cái tên được nhắc đến nhiều nhất chính là Moka Cầu Đất. Nó còn được nổi tiếng hơn khi Starbucks của Mỹ đưa vào chuỗi 20.000 cửa hàng buôn bán cà phê nổi tiếng khắp thế giới của hãng này. 
 
Giữa nhịp sống hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều nơi quảng cáo bán cà phê Moka, nhưng điều trớ trêu là hỏi ngay cả người bán hạt cà phê Moka hình thù chính xác của nó ra làm sao, thì mỗi người sẽ chỉ cho chúng ta mỗi cách nhận diện khác nhau. Còn người uống thì phần lớn chỉ biết cà phê Moka thơm ngon qua lời kể của những hoài niệm xưa và nghe về sự nổi tiếng hơn các loại khác, còn thực sự Moka thơm ngon ra làm sao thì chưa có thước đo nào cho chính xác.
 
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) thì trong số gần 14.000 ha cà phê Arabica hiện nay chỉ còn hơn 10 ha cà phê Moka, số còn lại là cà phê Catimor. Sở dĩ loại cà phê Moka còn ít như vậy là vì năng suất của cà phê Moka rất thấp, sức chống chọi với sâu bệnh kém, và nếu so với loại Catimor cũng được cho là một chủng thuộc Arabica cho năng suất hơn nhiều. Vì thế mà người ta loại bỏ dần loại cà phê Moka bởi khi mà không ai trả tiền thêm cho sự tinh túy thì dĩ nhiên phải “quý hồ đa, bất quý hồ tinh” là vậy.
 
Nhiều du khách khi đến với Cầu Đất - Đà Lạt cũng quyết tìm mua loại cà phê nổi tiếng này nên người bán tại đây luôn quả quyết đang bán thứ cà phê Moka chính hiệu. Cũng vì sự khẳng định loạn xạ này mà oan uổng cho hạt cà phê nổi tiếng này. 
 
Để kiểm định chất lượng, tìm về và trả lại đúng vị thế của hạt cà phê Moka chẳng phải điều dễ dàng… Anh Võ Khanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cà phê Cầu Đất cho biết: Mỗi năm đến vụ cà phê là anh lặn lội đi khắp các vườn cà phê trong xã Xuân Trường. Cứ nghe vườn nào còn cà phê Moka thì anh tìm đến, cố gắng thu mua cho bằng được, nhưng sản lượng cũng rất hạn chế. Cả vụ có khi anh thu gom chỉ trên dưới chừng 1 tấn. Ở Xuân Trường hiện nay, hầu như không có vườn cà phê Moka nào được trồng thuần. May thay một vườn còn vài chục cây được cho đã là quý. Nhưng chính vì số lượng ít, không thấm vào đâu nên đa số nông dân thu hái, trộn lẫn chung luôn với cà phê Catimor hay Robusta. 
 
Còn Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Dalata (Công ty Dalata), mỗi năm cung cấp ra thị trường chỉ vỏn vẹn 3 tấn cà phê Moka. Ông Đỗ Văn Ẩn, Giám đốc Công ty cho hay: Thực sự nguồn nguyên liệu cà phê Moka thuần chủng hiện nay của toàn Đà Lạt đang rất khan hiếm. Bản thân công ty phải cất công đi sưu tầm, thu gom từ khắp các khu vực như Trại Hầm, xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành, chưa kể sang cả huyện Lạc Dương. Vậy nên, bảo sao cứ thấy các công ty, người làm cà phê rang xay rao bán nhan nhản Moka Cầu Đất khắp nơi người ta không bảo đó là thứ cà phê “Ma cô” mới là lạ.
“Moka quý hiếm và ngon nên đắt với giá gốc thành phẩm sơ sơ chừng sáu bảy trăm ngàn, bán ra phải trên dưới triệu bạc. Trung bình một 100 gram bột cà phê pha được năm phin, tính ra cũng chỉ khoảng 20.000 đồng/tách cà phê” - ông Ẩn cho biết.
 
Nói như vậy không phải hạt Moka khi xưa người Pháp mang tới Việt Nam đã bị tuyệt diệt. Mà một vài nhà vườn vẫn có ý giữ gìn giống cổ quý hiếm này xen giữa những vườn Catimor cho dù cây cà phê năng suất thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh kém… và… nhất là thu không đủ bù lại được công chăm sóc.
 
Công ty Dalata đang bắt tay với HTX Khải Hoàn nhằm xây dựng vùng nguyên liệu, quyết tâm phục hưng thương hiệu Moka thượng hạng Cầu Đất
Công ty Dalata đang bắt tay với HTX Khải Hoàn nhằm xây dựng vùng nguyên liệu, quyết tâm phục hưng thương hiệu Moka thượng hạng Cầu Đất
Mai này một vùng Moka thượng hạng…
 
Lý do vì sao Starbucks chỉ chọn cà phê “Arabica Đà Lạt” chứ không chọn “Arabica Việt Nam” đưa vào kinh doanh phần nào là minh chứng cho tất cả. Và, điều đáng quan tâm: Thế mạnh của Arabica Đà Lạt mà dường như các quốc gia cà phê nổi tiếng trên thế giới (kể cả Brazil, Indonesia...) không có được đó chính là cà phê Moka Cầu Đất.
 
Trong hành trình đi tìm dáng dấp Moka, chúng tôi may mắn được gặp gỡ và làm quen với những người tâm huyết với cà phê ở Đà Lạt. Họ cùng nhau bỏ công sức đi các vườn cà phê thu mua lại của các hộ gia đình, đánh dấu từng cây, thuyết phục họ gìn giữ chăm sóc giống cà phê quý hiếm này với hy vọng một ngày nào đó hồi sinh lại vùng cà phê Moka thượng hạng.
 
“Nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân đồng thời đồng hành với bà con, giúp bà con có được nguồn giống chuẩn, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng đã xây dựng được 2 vườn ươm giống cà phê Moka. Việc khôi phục và nhân giống cà phê Moka hy vọng sẽ mở ra một tương lai cho cây cà phê Moka Cầu Đất....”  - ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV cho hay.

Bởi theo anh Đỗ Văn Ẩn: Với những ai đã trót yêu, thầm thương mến “nàng” Moka thì rất khó để chối từ như một đặc ân mà ai yêu cà phê cũng muốn được đồng hành. Cảm nhận đầu tiên khi mở bao tải, là mùi thơm của nhân cà phê, ngay từ lúc chưa rang, nó chẳng giống những loại cà phê mình từng gặp trước đây, dù hình dáng thì rất quen thuộc. Có lẽ dễ so sánh nhất, giống nhất, đó chính là mùi vùng cao nguyên sương khói trộn lẫn vào từng hạt cà phê Moka. Chính vì lý do đó, từ năm 2016 Công ty Dalata đã xây dựng lại thương hiệu Moka Cầu Đất với mục tiêu khôi phục lại loại cây trồng đặc sản có một không hai ở Việt Nam. Để làm được điều này, Công ty bắt tay với hàng chục hộ nông dân của HTX Khải Hoàn xây dựng vùng nguyên liệu bằng cách ghép từ những cây Moka đầu dòng trên diện tích vườn Catimor hiện tại của xã viên. Đồng thời tài trợ giống cùng với sự đảm bảo về kỹ thuật của HTX Khải Hoàn. Đến thời điểm hiện tại, đã có 6 ha Moka được ghép và đang sinh trưởng phát triển tốt. Dự kiến đến cuối năm, HTX sẽ tiến hành ghép thêm từ 3 đến 5 ha nữa. 

Theo đánh giá của ông Nghĩa - một người mê cà phê Moka - việc hồi sinh vùng nguyên liệu Moka có thể dễ dàng thực hiện nhờ phương pháp ghép cành từ các cây thuần chủng, được công nhận đầu dòng như hiện nay. Với kỹ thuật canh tác tốt, sản lượng cà phê Moka thậm chí không thua kém cà phê Catimor, trong khi giá trị kinh tế mang lại cao gấp 3 - 4 lần/cà phê Catimor. Năm 2018, Công ty Dalata thu mua cho nông dân với giá hơn 20.000 đồng/kg, cộng thêm 2.000 đồng/kg tiền công thu hái. 
 
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV chia sẻ, hai giống cà phê Typica và Bourbon là những giống cà phê thuần Arabica (được nhân dân gọi chung là cà phê Moka) do người Pháp mang tới Đà Lạt và vùng phụ cận từ những năm 30-40 của thế kỷ trước. Loại cà phê Moka này là cà phê thuần nên chất lượng tuyệt hảo và được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, do điều kiện bệnh lý nên dòng cà phê này bị lãng quên và người dân dần chuyển sang giống cà phê mới năng suất cao hơn. 
 
Vì giá trị của cà phê Moka trên thị trường, nhiều hộ nông dân đã tiến hành ươm giống, lấy chồi để khôi phục lại hạt cà phê trứ danh này. Với mục tiêu đa dạng hóa nguồn gen cà phê địa phương, Chi cục đang tiến hành khảo sát, chọn lọc lại các cây Typica và Bourbon còn lại để tìm ra nguồn gen tốt. Sau thời gian lặn lội, cùng nông dân địa phương tìm tới những gia đình còn lưu giữ những cây này, những kết quả ban đầu đã cho thấy tương lai tươi sáng của giống cà phê quý mang tên Moka.

(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,610,142.00