5/28/2020 8:52:00 AM
.

Hiệu quả chuỗi liên kết


      (Lâm Đồng Online) Trong phát triển liên kết chuỗi, Lâm Đồng đã triển khai khá đồng bộ các giải pháp từ chủ trương định hướng, xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực để thực hiện. Qua đó, hoạt động tại các chuỗi có giá bán cao hơn 15-20% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. 


Thu hoạch hoa cắt cành ở Đà Lạt. Ảnh: Võ Trang

        Song song với việc ban hành các chính sách về phát triển liên kết chuỗi, Lâm Đồng cũng chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và thu hút đầu tư vào doanh nghiệp (DN), nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN. Đây là yếu tố hạt nhân, là đơn vị chủ trì để hình thành các hoạt động liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh để không ngừng mở rộng thị trường. Thông qua sự hỗ trợ của tổ chức JICA, UBND tỉnh đã xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được sử dụng cho một số nông sản chủ lực (rau, hoa, chè, cà phê Arabica) và du lịch canh nông. Hiện nay Lâm Đồng đang triển khai các hoạt động quảng bá cho hình ảnh và giá trị của thương hiệu trên khắp cả nước và thị trường quốc tế, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp cận và sử dụng thương hiệu một cách có hiệu quả.

         Với việc thực hiện các giải pháp trên, số lượng và quy mô các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng nhanh. Đến nay, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), toàn tỉnh có 145 chuỗi liên kết với sự tham gia liên kết của 90 DN, 44 HTX, 21 THT, 22 cơ sở nhỏ lẻ và 15.800 hộ nông dân. Hầu hết các loại nông sản của tỉnh đều đã có mô hình liên kết chuỗi hình thành và phát triển, trong đó nhiều nhất phải kể kến các sản phẩm rau với 71 chuỗi, thu hút 1.719 hộ tham gia sản xuất trên diện tích 2.713 ha. Tương tự, các nông sản khác liên kết theo chuỗi bao gồm: Cà phê 19 chuỗi, với 9.156 hộ, diện tích 18.965 ha; chè 16 chuỗi, với 364 hộ, diện tích 1.052 ha; trái cây 9 chuỗi, với 272 hộ, diện tích 636 ha; hoa 6 chuỗi, với 305 hộ, diện tích 147 ha và các sản phẩm khác còn lại như chuỗi dược liệu, lúa, ca cao; bò sữa, gà, heo; chuỗi cá tầm... Tổng sản lượng nông sản tham gia chuỗi liên kết hiện nay đạt 499.346 tấn. Trong đó, rau 243.476 tấn, cà phê 59.603 tấn, cây ăn quả 37.274 tấn, chè 6.506 tấn, dược liệu 3.954 tấn, hoa sản lượng 68 triệu cành, lúa 6.972 tấn, bò sữa 82.464 lít sữa và heo 21.371 tấn.

        Cũng theo Sở NN và PTNT, trong tổng số 145 chuỗi liên kết hiện nay, phần lớn nội dung liên kết là sản xuất và tiêu thụ nông sản. Cụ thể: hiện có 5 chuỗi liên kết hoàn chỉnh theo mô hình chuỗi giá trị, nghĩa là từ cung ứng vật tư, chuyển giao kỹ thuật đến thu mua, tiêu thụ nông sản; 61 chuỗi liên kết chuyển giao kỹ thuật và tiêu thụ nông sản; 33 chuỗi sử dụng tem truy xuất nguồn gốc và 75 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm.

Chuỗi liên kết ở doanh nghiệp Trình Nhi

         Thực tế triển khai thực hiện chính sách liên kết chuỗi trên địa bàn tỉnh cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thiết thực của các DN, HTX và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có nhiều chuỗi liên kết thực hiện khá thành công, đem lại hiệu quả thiết thực cho các bên tham gia liên kết; quy mô sản xuất, sản lượng nông sản và số lượng thành viên tham gia không ngừng tăng qua các năm. Qua hoạt động tại các chuỗi cho thấy, ngoài ổn định đầu ra cho nông sản, chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến, việc các nông sản tham gia liên kết chuỗi còn được “bảo chứng” bởi các yếu tố: có chứng nhận sản phẩm an toàn, canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật, dán tem truy xuất nguồn gốc, sơ chế và chế biến trước khi đưa ra thị trường... nên phần lớn có giá bán cao hơn từ 15 - 20% giá của sản phẩm cùng loại trên thị trường. Bên cạnh đó, việc các đơn vị sản xuất, sơ chế, chế biến tham gia mô hình chuỗi sản xuất đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thực hiện tốt việc kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, kết quả phân tích mẫu các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đều đạt yêu cầu theo quy định. Các cơ sở sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm của Lâm Đồng đã đạt hiệu quả rất lớn, toàn bộ diện tích trong chuỗi được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm tiêu thụ tăng nhanh và ổn định, từ đó tiếp tục củng cố niềm tin đối với người tiêu dùng trên thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh thành thương hiệu mạnh trong nước và khu vực. Thông qua đó, giá trị gia tăng của nông sản được nâng lên, quyền lợi của người sản xuất được bảo vệ, người nông dân tham gia chuỗi không phải lo lắng với vấn đề đầu ra của sản phẩm, đây chính là quá trình cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước thực hiện được mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại mà nghị quyết của tỉnh đề ra.

       Thực tiễn đã chứng minh tính ưu việt của các hình thức liên kết trong sản xuất, chủ trương đẩy mạnh liên kết trong sản xuất trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều chuỗi liên kết mới được hình thành, số lượng thành viên, quy mô diện tích, sản lượng, chủng loại nông sản tham gia chuỗi tiếp tục tăng qua các năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng với kỳ vọng của tỉnh. Ngoài sữa tươi là sản phẩm có tỷ lệ tiêu thụ qua chuỗi cao lên tới 95% thì hầu hết các sản phẩm khác còn khá thấp. Đơn cử cà phê 11,56%, chè 18,45%, hoa 1,91%, dược liệu 33,03%, quả 20,93%, lúa 4,49%, ca cao 4,33%, mắc ca 13,07%, heo 26,86%, gà thịt 49,06%, trứng gà 8,63%, mật ong 1,23%, cá tầm 7,52%, dâu tằm tiêu thụ qua chuỗi mới đạt 0,37%. Từ kết quả bước đầu đạt được nêu trên, với 15 năm kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cùng đó là cơ sở vật chất, hạ tầng sản xuất cũng như trình độ canh tác, chăn nuôi của nông dân Lâm Đồng cao hơn so mặt bằng của cả nước; các DN, HTX, nông dân luôn sẵn sàng tiếp thu các công nghệ trong sản xuất và quản lý trang trại là những điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng tiếp tục mở rộng, phát triển các chuỗi liên kết trong thời gian tới. Đồng thời phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 50% nông sản được tiêu thụ ổn định qua hợp đồng với sự tham gia của khoảng 65% số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh vào các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

 

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,614,104.00