11/17/2020 8:33:00 AM
.

Hướng đi của nông nghiệp Lâm Đồng


(Lâm Đồng Online) Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế chính là mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp mà Lâm Đồng hướng đến.

Thu hoạch hoa cúc ở Làng hoa Thái Phiên (Đà Lạt)
Lâm Đồng hiện có khoảng 9 nghìn ha hoa các loại, 65 nghìn ha rau, 22 nghìn ha chè và lớn nhất là diện tích cà phê với khoảng 175 nghìn ha. Đến thời điểm này, tỉnh có 6 loại nông sản đặc thù tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu. Để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển, phù hợp với xu thế thị trường, tỉnh Lâm Đồng đã và đang sản xuất theo hướng tập trung và áp dụng công nghệ cao.

Cụ thể tại thành phố Đà Lạt, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi ha/năm. Tính đến năm 2020, các mô hình rau, hoa công nghệ cao tại địa phương này đạt doanh thu cao hơn nhiều lần so với cách sản xuất truyền thống. Ông Huỳnh Phi Thơ - nông dân tại Làng hoa Thái Phiên, cho biết: “Vốn đã có khí hậu phù hợp với các loại rau, hoa, tuy nhiên việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao giúp năng suất và lợi nhuận của người dân được nâng lên. Riêng với việc trồng hoa cúc cứ 3,5 tháng cho thu một lần nên nguồn thu của người dân thường xuyên và cơ bản ổn định”.

Công nghệ cao mà các nông dân như ông Huỳnh Phi Thơ đang thực hiện chính là hệ thống nhà lưới, nhà kính được lắp đặt kết hợp ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành sản xuất. Điều này giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và tăng cao năng suất cây trồng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Lạt, nhiều mô hình trồng hoa công nghệ cao cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Và, với tiềm năng về khí hậu, đất đai để phát triển hoa, Lâm Đồng đang phấn đấu trở thành địa phương sản xuất hoa xuất khẩu lớn nhất cả nước với khoảng 3 tỷ cành mỗi năm.

Cũng như hoa, ngành sản xuất rau của tỉnh đang có sự phát triển vượt trội. Toàn tỉnh hiện có khoảng 65 nghìn ha rau và phân bổ chủ yếu ở TP Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương... Trong số 65 nghìn ha này, có khoảng 15 nghìn ha rau công nghệ cao cho thu hoạch quanh năm và đáp ứng các yêu cầu của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Hiện nay, từ người trồng rau hộ gia đình đến hợp tác xã, doanh nghiệp đều có chung hướng đi là sản xuất hàng sạch. Các mô hình hái rau ăn tại vườn, mô hình theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp sạch như VietGAP, GlobalGAP, Organic... đang ngày càng nhân rộng.

Tại Hợp tác xã An Phú ở huyện Đức Trọng, nông sản được sản xuất theo quy trình sạch, an toàn nên trong thời gian ngắn đã chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Ông Lê Văn Ba - Giám đốc Hợp tác xã An Phú cho biết: “Hợp tác xã hiện đang sản xuất khoảng 20 đầu cây trồng khác nhau theo tiêu chuẩn VietGAP trên nền tảng công nghệ cao. Tức là làm hoàn toàn trên giá thể xơ dừa và bón phân theo hệu thống tưới kết nối hệ thống IOT - kiểm soát trên điện thoại Smartphone. Mọi công đoạn được theo dõi nên chế độ dinh dưỡng cây trồng được đảm bảo. Về so sánh hiệu quả, trung bình 1 nghìn mét vuông sản xuất công nghệ cao thì giá trị bằng 5 nghìn mét vuông sản xuất thông thường. Thậm chí, nếu làm tốt có thể gấp 10 lần”.

Để ngành rau, hoa tiếp đà phát triển, ngàng nông nghiệp Lâm Đồng đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Nỗ lực phát triển các liên kết giữa nông hộ với hợp tác xã/tổ hợp tác, doanh nghiệp để hướng đến sản xuất bền vững. Lâm Đồng đã và đang thực hiện các vùng chuyên canh rau, hoa theo hướng chất lượng cao, tập trung vào cải thiện chất lượng, giá trị nông sản. Hiện nay, Lâm Đồng đang phấn đấu khai thác hiệu quả thương hiệu rau, hoa Đà Lạt và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường rau, hoa cao cấp sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Lâm Đồng cũng hướng đến xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu công nghiệp - nông nghiệp theo Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tập trung vào phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Lâm Đồng có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc lớn và cá nước lạnh. Đây là những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, bò sữa được xác định là vật nuôi chủ lực của tỉnh với tổng đàn trên 23 nghìn con, sản lượng sữa trên 80 nghìn tấn mỗi năm.

Nông dân nuôi bò sữa Nguyễn Đăng Tuyên tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương nói: “Gia đình tôi nuôi 14 con bò sữa, trong đó có 7 con đã cho vắt sữa. Mỗi ngày thu hoạch khoảng 140 kg sữa để bán cho Công ty Đà Lạt Milk. Sữa công ty mua ổn định, giá cũng ổn và giao động từ 11.000-15.000 đồng/kg. Với giá bán này, mỗi tháng, tổng thu của gia đình khoảng 50 triệu đồng”.

Hiện Lâm Đồng đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung. Để phát triển chăn nuôi ổn định, an toàn trước dịch bệnh, ngành nông nghiệp Lâm Đồng thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi; đặc biệt, việc buôn bán gia súc gia cầm giữa các vùng, các hoạt động giết mổ đều được giám sát một cách chặt chẽ.

Trao đổi thêm về vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp ông Nguyễn Văn Châu - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trong 5 năm qua, kết quả đạt được cũng rất khả quan, đánh dấu một bước phát triển của ngành nông nghiệp của Lâm Đồng. Đặc biệt là tái cơ cấu gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Với diện tích trên 300 nghìn ha, Lâm Đồng đã có những vùng chuyên canh rất cơ bản, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến cũng như nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Diện tích nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 60 nghìn ha, trong đó có vùng chuyên rau, hoa, chè, cà phê. Giá trị sản xuất trên 180 triệu đồng mỗi ha/năm. Đối với giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì trung bình đạt từ 300-400 triệu đồng mỗi ha/năm. Đây là kết quả do thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương”.

Những năm tiếp theo, Lâm Đồng tiếp tục chọn nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể giai đoạn 2021-2025, Lâm Đồng thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, tỉnh triển khai các dự án để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để nâng cao sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh chuỗi liên kết, tạo ra khối lượng sản phẩm quy mô lớn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,610,960.00