8/10/2020 8:19:00 AM
.

Mở rộng và kết nối thị trường tiêu thụ cho nông sản Lâm Đồng


(Lâm Đồng Online) Để nông sản Lâm Đồng ngày càng mở rộng cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu, điều tiên quyết là nâng cao chất lượng, tạo dựng được thương hiệu, đồng thời dần tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.

 

Nhờ tạo được chất lượng sản phẩm cũng như thương hiệu mà rau thủy canh Trường Phúc được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận

Nhờ tạo được chất lượng sản phẩm cũng như thương hiệu mà rau thủy canh Trường Phúc được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận

 

Kiểm soát chất lượng nông sản

Xuất phát từ nhu cầu của người dân về rau sạch ngày càng cao, cộng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương phù hợp với việc trồng và phát triển rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, 25 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Lạc Lâm (Đơn Dương) đã mạnh dạn cùng nhau hợp tác sản xuất và thành lập HTX rau VietGAP Lạc Lâm, nhằm cung cấp ra thị trường nông sản sạch, ổn định đầu ra cho nông dân. 

Ông Bùi Ngọc Cung (thôn Hải Dương, Lạc Lâm), Phó Giám đốc HTX rau VietGAP Lạc Lâm lại là người đi tiên phong trong phát triển rau công nghệ cao ở đây. Ông cho biết, trồng theo kiểu truyền thống không mang lại giá trị kinh tế cao, ông bỏ số vốn lớn để đầu tư 2 ha nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt sản xuất nông sản sạch. Từ đó có thể chủ động hơn trong công tác kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm từ gốc, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

“Thời điểm hiện tại, nhiều dịch bệnh hoành hành trên nông sản cộng với dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới tình hình tiêu thụ nông sản thì diện tích trồng cà chua, hành baron sản xuất nhà kính của tôi vẫn phát triển tốt và cho ra sản phẩm đạt chất lượng, được Công ty Phong Thúy thu mua với giá cao. Nhận biết xu hướng thị trường ưa chuộng nông sản sạch, tôi đã xây dựng chương trình VietGAP cho 2 ha nhà kính của mình. Mới hơn vài năm sản xuất, tôi đã lấy lại số vốn đã đầu tư, bây giờ chỉ việc thu lợi nhuận”, ông Cung chia sẻ. 

Được biết, Lâm Đồng hiện có diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 58.347 ha; tổng diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C,... đạt khoảng 78.000 ha; 4 vùng chăn nuôi theo VietGAHP với khoảng 718 hộ, tổng đàn hơn 65.000 con heo và khoảng 1.500 con bò sữa tại trang trại Vinamilk Lâm Đồng được chứng nhận Organic.

Trong các năm qua, công tác kiểm soát chất lượng nông sản luôn được ngành nông nghiệp chú trọng thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định định kỳ đối với các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản, đồng thời tăng cường lấy mẫu giám sát, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các mẫu vi phạm. Ngoài ra, việc kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm còn được thực hiện qua các biện pháp tuyên truyền, tổ chức đào tạo, tập huấn về ATTP, chuỗi liên kết, VietGAP,… để người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cập nhật và nhận thức được tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng đến phát triển chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm để vừa phát triển sản xuất, vừa kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thông qua các hợp đồng liên kết.

 

Tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm

 

Để hướng đến đầu ra ổn định cho nông sản Lâm Đồng, đặc biệt hướng đến thị trường quốc tế, nông sản Lâm Đồng cần phải tạo dựng thương hiệu của riêng mình. 

 

Rau thủy canh ở trang trại Trường Phúc (xã Đạ Sar, Lạc Dương) đã có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, sản lượng sản xuất rau thủy canh ở trang trại là 300 tấn/năm, trong đó 80% sản phẩm tiêu thụ trong nước với việc cung ứng cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh và hệ thống Siêu thị BigC trên toàn quốc, còn lại là xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với giá bán khoảng 55.000 đồng/kg.

Ông Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty Trường Phúc cho biết, để có được điều đó, trang trại của ông đã phải vượt qua các tiêu chuẩn đánh giá của phía đối tác. Để đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn thì chất lượng là điều kiện tiên quyết, bao gồm chất lượng về hóa lý, côn trùng và đặt biệt là ngoại quan của sản phẩm. Ngoài ra, đơn vị sản xuất tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương hiệu sản phẩm, các hoạt động đăng ký bảo hộ bản quyền nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, việc mở rộng và kết nối thị trường tiêu thụ cho nông sản Lâm Đồng là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, Lâm Đồng thực hiện nhiều giải pháp, trong đó ngành nông nghiệp đã chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch theo hướng sản xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Căn cứ vào quy hoạch để xây dựng các vùng sản xuất với quy mô và chủng loại nông sản phù hợp, áp dụng các phương pháp sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ lớn, ổn định giá cả lâu dài, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, hiện nay tỉnh đã xây dựng và đăng ký thành công 19 nhãn hiệu đối với các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản xây dựng thành công thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành đối với các sản phẩm rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông.

 
Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng đến phát triển chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm để vừa phát triển sản xuất, vừa kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thông qua các hợp đồng liên kết. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông sản, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng đến việc áp dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ thông minh vào sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc, áp dụng mã QR code, nhật ký điện tử,… để nâng cao chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. 
 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,610,307.00