5/26/2020 7:46:00 AM
.

Những khó khăn trong phục hồi sản xuất, kinh doanh


        (Lâm Đồng Online) Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Lâm Đồng đã chủ động, tích cực thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch đi đôi với việc đảm bảo sản xuất, phục vụ nhu cầu của Nhân dân, không xảy ra tình trạng trì trệ.

Chính sách giảm, giãn tiến độ nộp thuế, tiền thuê đất, BHXH, giúp doanh nghiệp giải quyết các chi phí hiện hữu;
nhưng thủ tục, hồ sơ phức tạp

        Tỉnh Lâm Đồng đã tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm của tỉnh cơ bản vẫn được duy trì. Tổng sản phẩm trong nước tăng 5,9% so với cùng kỳ; trong đó, ngành nông - lâm - thủy tăng 5,3%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,5%, dịch vụ tăng 6,1%.

         Tuy nhiên, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 7,7%, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 50% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong tháng 4, chỉ có 70 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 394,5 tỷ đồng, giảm 32,7% về số doanh nghiệp và giảm 39,3% về số vốn; 63 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.

         Qua khảo sát, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh đều bị sụt giảm ở hầu hết các lĩnh vực. Khó khăn nhất là lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú…; riêng lĩnh vực du lịch, khách sạn giảm từ 50-80% doanh thu do khách hủy các tour tuyến, đơn đặt phòng; nhiều doanh nghiệp phải thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca, cho nhân viên nghỉ không lương hoặc cắt giảm từ 50-90% số lao động đang làm việc.

        Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất hoa, nhiều doanh nghiệp trồng hoa không xuất khẩu được, thị trường trong nước giảm sức mua, đơn vị phải nhổ bỏ hoa thương phẩm; các doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng bị đình trệ vì các nhà sản xuất, nông dân không xuống giống gieo trồng được vì bị hủy bỏ đơn hàng. Một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm không phải là thực phẩm thiết yếu cũng gặp khó khăn do sức mua của thị trường giảm sút.

       Triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Thủ tướng và Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là, thực hiện các chính sách giảm, giãn tiến độ nộp thuế, tiền thuê đất, BHXH; cơ cấu, gia hạn nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất; cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động (qua NHCSXH); hỗ trợ doanh ghiệp vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển Lâm Đồng.

         Tính đến ngày 15/4/2020, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh là gần 12.700 tỷ đồng, 2.091 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với số tiền gần 6.136 tỷ đồng.

         Theo thống kê có khoảng 50% doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vay, lãi suất ngân hàng và gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng...

          Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, hồ sơ thủ tục về hỗ trợ lãi suất còn phức tạp, nhất là việc chứng minh ảnh hưởng của dịch bệnh; do đó, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng để giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện gói hỗ trợ của Chính phủ. Ngoài ra, việc giữ nguyên nhóm nợ cũng nên áp dụng cho các khoản vay bằng ngoại tệ thay vì chỉ có Việt Nam đồng như hiện nay, vì, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay ngoại tệ cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

        Trong lĩnh vực thuế, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị nên công bố danh mục các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế mà không cần phải xác định mức độ thiệt hại như hiện nay. Hơn nữa, theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong thời gian tối đa 5 tháng là ngắn so với khó khăn thực tế của nhiều doanh nghiệp, đề nghị kéo dài ít nhất là 12 tháng…
 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,609,452.00