8/12/2020 7:52:00 AM
.

Phát triển thương mại điện tử: Mấu chốt là nền tảng tín nhiệm


(Lâm Đồng Online) Thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam thời gian qua có sự phát triển vượt bậc và đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến còn thấp, thanh toán trực tuyến chưa phổ biến, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chưa theo kịp nhu cầu… vẫn là những rào cản lớn trong phát triển TMĐT. Để nâng cao lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải xây dựng được nền tảng tín nhiệm trong TMĐT.


Hệ thống phân loại hàng hóa tự động của Lazada Việt Nam
 Mua sắm trực tuyến là xu thế

Với tốc độ tăng trưởng trung bình tăng 30%/năm, quy mô thị trường TMĐT tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh, tăng từ 4 tỷ USD lên 8 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2018.

Dự kiến, với đà tăng trưởng ngày càng cao, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt 13 tỷ USD năm 2020 và đạt 33 tỷ USD năm 2025.

Đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), ông Phan Thế Quyết cho biết: “Quy mô thị trường TMĐT đạt 13 tỷ USD năm 2020 là cao hơn mục tiêu nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, trong đó có hơn 42 triệu người dùng internet, gần 130 triệu thuê bao di động, hơn 46,5 triệu người sử dụng smartphone, cùng với lực lượng DN đổi mới sáng tạo ngày càng xuất hiện nhiều... và con số này đặc biệt có ý nghĩa đối với những ngành nghề, DN kinh doanh trực tuyến”.

Xây dựng công cụ đánh giá tín nhiệm gian hàng trực tuyến
Dù tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng thị trường TMĐT nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Lợi dụng khung pháp lý còn thiếu và yếu, nhiều đối tượng đã thực hiện những hành vi gian dối như: Giao hàng không đúng với sản phẩm người mua đặt hàng; hàng giả, hàng nhái... Những hành vi trên gây mất niềm tin của người tiêu dùng vào các kênh bán hàng trực tuyến. Do đó, để thị trường TMĐT phát triển lành mạnh, đại diện DN kiến nghị cơ quan quản lý có các quy định, điều kiện tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, có chế tài xử phạt nặng với hành vi vi phạm, nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Các đơn hàng TMĐT trong nước phần lớn có trị giá nhỏ, những đơn hàng giá trị cao hơn chiếm thị phần nhỏ. Bên cạnh đó, hình thức giao hàng thu tiền (COD) vẫn chiếm tới 90% thanh toán giao dịch TMĐT. Lý do của hiện tượng này là do khách hàng chưa tin tưởng người bán hàng TMĐT ở trong nước về chất lượng hàng hóa, chính sách giải quyết khiếu nại. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam khá ưa chuộng mua hàng và giá trị các đơn hàng thường có giá trị cao qua các website TMĐT của nước ngoài như Amazon, eBay… do các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu có uy tín cao, minh bạch và nhanh chóng trong xử lý tranh chấp phát sinh. “Phải xây dựng TMĐT dựa trên nền tảng tín nhiệm. Hệ thống TMĐT trên thế giới thành công vì có nền tảng tín nhiệm cao”, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương) chia sẻ đồng thời cho rằng, việc xây dựng tín nhiệm có thể thực hiện trên cơ sở xử lý tranh chấp, khiếu nại, chất lượng dịch vụ giao hàng, phát triển sản xuất trong nước, giải pháp thúc đẩy thị trường, phát triển thanh toán bảo đảm... Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung pháp lý thanh toán không dùng tiền mặt để khuyến khích thêm nhiều DN tham gia TMĐT, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương vừa tổ chức hội nghị thường niên lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước để trao đổi, thống nhất hoàn thiện nền tảng tín nhiệm trong TMĐT. Tại hội nghị, Cục TMĐT và Kinh tế số đã đưa ra mô hình hoàn thiện nền tảng tín nhiệm (Circle of Trust) trong giai đoạn 2015 - 2025 bao gồm: xây dựng hệ thống thanh toán đảm bảo ESCROWN; giải quyết tranh chấp trực tuyến TrustON; ứng dụng chứng từ điện tử trong thương mại; ứng dụng dịch vụ chuyển phát tiêu chuẩn trong TMĐT và triển khai các chuỗi sự kiện phát triển TMĐT và hỗ trợ nhà sản xuất, hàng Việt uy tín trong nước.

 

 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,614,465.00