Toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay có 12 tổ chức, cá nhân được cấp Chứng nhận sản xuất hữu cơ trên diện tích hơn 1.334 ha cây trồng và nuôi 1.005 con bò sữa, trong đó cá nhân anh Nguyễn Thanh Hải có 1,5 ha sản xuất các loại rau ở khu vực Đăng Lèn, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương nói trên. Để ổn định sản xuất trên 1,5 ha đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ từ đầu năm 2023, anh Hải phải qua thời gian hơn 5 năm kiến thiết cơ bản trên 7.000 m2 diện tích nhà kính cùng hệ thống thiết bị tưới nước tự động, cải tạo đất tơi xốp, luân canh sản xuất nhiều loại cây rau, củ, quả khác trên diện tích 8.000 m2 luân canh ngoài trời. Quá trình chăm sóc trong nhà kính và ngoài trời đều phải giảm 100% lượng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. “Tuy nhiên khi chuyển đổi từ sản xuất vô cơ sang sản xuất hữu cơ, cả 2 khu vực sản xuất rau trong nhà kính và ngoài trời liên tục thất thu trong những lứa rau đầu tiên. Những lứa rau sau đó mới xác định được nguyên nhân trong đất vẫn còn mầm mống bệnh hại do sử dụng các chất hóa học canh tác trong thời gian dài đã qua. Cộng với nguồn phân hữu cơ mua về không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cây không đủ dinh dưỡng để hấp thu phát triển lá, củ, quả đạt chất lượng theo yêu cầu của người tiêu dùng...”.
Không bỏ cuộc với giải pháp canh tác rau hữu cơ trong điều kiện môi trường, khí hậu ôn hòa của vùng đất huyện Lạc Dương độ cao hơn 1.500 m so với mặt biển, anh Nguyễn Thanh Hải cập nhật tài liệu nghiên cứu và trực tiếp học hỏi các nhà nông giàu kinh nghiệm, cuối cùng đã khai thác được nguồn phân chuồng chất lượng cao từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đưa về ủ men vi sinh hơn một tháng sau bón cho cây trồng; đồng thời, sử dụng 50% các chất sinh học hòa tan và 50% tự chế biến từ tỏi, ớt, nấm khô để bơm phun phòng trừ hiệu quả bệnh hại vườn rau trong nhà kính và ngoài trời. Kết quả tính riêng trong 3 năm gần đây, mỗi năm anh Hải đạt lãi hơn 1 tỷ đồng trên 1,5 ha luân canh rau hữu cơ các loại trong nhà kính và ngoài trời.
Cụ thể, anh Hải bố trí mỗi năm trồng 200-300 m2 ớt chuông trong nhà kính, chăm sóc sau hơn 90 ngày bước vào thu hoạch. Cứ 2-3 ngày thu hoạch một lần khoảng hơn 30 kg. Thu xong 2 tháng sau tiếp tục làm đất trồng luân canh, thu hoạch cải thìa hoặc xà lách. Một năm sau mới luân canh trở lại ớt chuông. Hoặc trồng rau cải bó xôi trong nhà kính với diện tích gối đầu khoảng 200 m2, mỗi lứa kéo dài 35-40 ngày. Sản lượng đạt 200 kg trở lên. Ở khu vực canh tác hữu cơ ngoài trời, anh Hải trồng cây súp lơ luân canh với rau dền, cần tây trên diện tích 300-500 m2, chăm sóc 90 ngày, sản lượng đạt khoảng 800 kg. Ở đây cũng trồng cây sú tim luân canh trên diện tích 200 m2, chăm sóc 75-80 ngày, sản lượng khoảng 300 kg. “Súp lơ là cây rau đầu tiên thu hoạch tại Lạc Dương bán ra thị trường Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh mỗi ngày 50-70 kg, được người tiêu dùng đánh giá cao. Từ đó đến nay, mỗi ngày thu hoạch từ 200-250 kg rau hữu cơ hơn 10 loại ở đây đều tiêu thụ nhanh theo hợp đồng thỏa thuận giá cả ổn định cả năm với hệ thống hàng chục đầu mối phân phối ở các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam...”, chủ nhân Nguyễn Thanh Hải cho biết.
Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội, chủ nhân Nguyễn Thanh Hải liên tục nhận đặt hàng rau hữu cơ sỉ và lẻ từ khách hàng trong nước, nhưng sản lượng đáp ứng chưa thể đạt 100% theo nhu cầu vì quy mô sản xuất chỉ giới hạn 1,5 ha nói trên. Nhiều bình luận tích cực của khách hàng trên facebook, zalo đối với sản phẩm rau hữu cơ của chủ nhân Nguyễn Thanh Hải như: “Cứ 10 người khách hàng của cửa hàng tôi ở Đà Nẵng thì có đến 7 người chọn mua rau hữu cơ anh Hải vì đã quen với vị đậm đà, chất lượng đặc trưng ở vùng cao Lạc Dương, trong khi giá thành hợp lý. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2023, rau anh Hải đã hội đủ các tiêu chí được cấp chứng nhận hữu cơ, khách hàng của tôi càng yên tâm hơn, mua về sử dụng nhiều hơn...”.
http://baolamdong.vn/