5/21/2020 9:35:00 AM
.

Triển vọng một vùng hoa, trái công nghệ cao


      (Lâm Đồng Online) Mười năm vượt qua không ít thách thức và trở ngại, anh Nghiêm Văn Minh, một Việt kiều Pháp cùng vợ người Sài Gòn là Nguyễn Thị Bích Thủy đã từng bước thiết kế, nhân rộng mô hình hướng đến một vùng hoa, trái công nghệ cao nhiều triển vọng ở Đà Lạt và các vùng phụ cận.

Dâu tây Pháp năng suất và chất lượng cao được “thuần hóa” trên 2 ha diện tích nhà kính tại Khu Du lịch hồ
Than Thở, Đà Lạt.

        Tính đến giữa tháng 5/2020 là chưa đầy ba tháng được chính quyền tỉnh Lâm Đồng công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Công ty TNHH Sinh học sạch (Bio Fresh) với trang trại hoa, trái tại hồ Than Thở, Đà Lạt tiếp tục bình tuyển các loại giống dâu tây, phúc bồn tử và hàng chục giống hoa và cây ăn trái quý hiếm để đầu tư nhân rộng trong khu du lịch canh nông dưới tán rừng ở Thái Phiên, Đà Lạt, quy mô khoảng hơn 20 ha. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, chủ nhân trang trại cho biết, các loại cây trồng giá trị kinh tế cao ở đây đã được nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ đưa về khảo nghiệm qua mười năm ở các vùng sinh thái huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt, sau đó chọn tạo từng loại giống cây tương ứng với quy trình kỹ thuật sản xuất hiệu quả nhất, đặc biệt hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học trong quá trình canh tác. Đến những năm gần đây, Công ty TNHH Sinh học sạch (Bio Fresh) đầu tư hoàn chỉnh dây chuyền máy móc đi vào hoạt động chế biến sản phẩm từ dâu tây, phúc bồn tử như các loại mứt, nước giải khát… đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP toàn cầu. Kết quả qua kiểm tra và phân tích toàn bộ quy trình, chất lượng sản phẩm sản xuất, chế biến gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu, ngày 26/2/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã hành Quyết định số 37 Chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với Công ty TNHH Sinh học sạch (Bio Fresh, đường Võ Trường Toản, Đà Lạt) với quy mô sản xuất 2 ha dâu tây, phúc bồn tử nhà kính; sản lượng 80 tấn/năm; tổng số 32 nhân viên; thị trường tiêu thụ trong nước gồm hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn; thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore...

         Chủ nhân Nguyễn Thị Bích Thủy đưa phóng viên tham quan các khu nhà kính sản xuất hoa, trái ở trang trại hồ Than Thở Đà Lạt theo quy trình khép kín. Đó là những hàng cây dâu tây giống gốc nhập về từ nước Pháp trồng trong giá thể tự phối trộn, sắp đặt thành từng hàng trên giàn sắt cách ly mặt đất trên dưới 1m. Ở mỗi gốc dâu tây đều kết nối đường ống tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân theo tỷ lệ hòa tan cân đối dinh dưỡng từng ngày. Không khí trong nhà kính hít thở trong lành nhờ tuân thủ theo quy trình canh tác sạch, rút ngắn thời gian chăm sóc đến thu hoạch, nhưng dâu tây vẫn đạt năng suất và chất lượng khá cao. “Đến nay, dâu tây Pháp nhập cây giống về trồng diện tích 2 ha nhà kính tại hồ Than Thở sau 45 ngày bước vào thu hái trái chín. Ngày nào cũng thu hoạch trên dưới 200 kg; ngày cao điểm hơn 300 kg. Giá bán dâu tây Pháp của trang trại chúng tôi từ đầu năm 2020 đến nay từ 150 - 250.000 đồng/kg. So sánh với tổng sản lượng hàng năm, tỷ lệ dâu tây Pháp bán tươi tại vườn chiếm khoảng 60%, tỷ lệ bán sản phẩm chế biến chiếm khoảng 40%...”, chị Thủy thông tin.

        Cũng trong phạm vi trang trại hồ Than Thở, chủ nhân Nguyễn Thị Bích Thủy còn hướng dẫn phóng viên tham quan khu vườn 1.000 m2 nhà kính hoa hồng giống Pháp, Hà Lan đang bung nở hàng trăm sắc màu trên cành, cây vươn lên cao đến hơn 2 m, tỏa hương thơm ngát. “Sánh vai” ở phía đối diện là những hàng cây phúc bồn tử đen, đỏ mới bước vào thời kỳ kinh doanh một vài năm gần đây, từng chùm trái thu hoạch căng mọng, đạt chất lượng an toàn thực phẩm nên được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn đặt mua. Ngoài ra trang trại còn nhân giống khoảng 10.000 cây sung Mỹ, hàng ngàn cây Kiwi mua về từ Úc cùng hàng trăm cây giống “kỳ hoa dị thảo” khác nhập về từ châu Âu, hiện đang trong thời kỳ “thuần hóa” sinh trưởng thích nghi với môi trường sinh thái mới…

      Anh Nghiêm Văn Minh, chồng chị Thủy mời phóng viên ăn tươi trái dâu tây và phúc bồn tử giống gốc từ Pháp vừa thu hái tại chỗ, cảm nhận được hương vị chua thanh, ngọt thơm đặc trưng công nghệ cao của thổ nhưỡng phố hoa Đà Lạt. Câu chuyện từ đây ngược lại mười năm trước, anh Minh từ Pháp về Việt Nam mang theo cả trăm giống dâu tây liên kết trồng từ 3.000 m2 đến 7.000 m2 diện tích đất từ mô hình chuyên canh ở huyện Lạc Dương đến mô hình du lịch canh nông ở Phường 8, Đà Lạt, nhưng đáng tiếc đều dừng lại giữa chừng vì chưa thể nhận được sự đồng thuận từ phía một số đối tác mới kết nối tại địa phương. “Nghề của tôi là kỹ sư công nghệ thông tin tại Pháp. Năm 2010, tình cờ về Việt Nam lên Đà Lạt du lịch trông thấy những vườn dâu tây phát triển xanh tốt, tôi liền nghĩ đến người bạn thân của tôi tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp tại Pháp hiện đang sở hữu hàng trăm loại giống dâu tây, phúc bồn tử năng suất, chất lượng cao trên toàn cầu. Từ đó đến nay, tôi thực hiện mong ước của mình từ xây dựng mô hình đến nhân rộng thành những khu vực sản xuất tập trung các giống hoa, trái công nghệ cao của Pháp tại Đà Lạt”, anh Minh chia sẻ.

      Theo đó, mãi đến năm 2015, anh Minh, chị Thủy mới chính thức có cơ hội đầu tư thiết kế, xây dựng diện tích 2ha trồng dâu tây Pháp công nghệ cao tại Khu Du lịch hồ Than Thở, Đà Lạt ổn định đến ngày nay. Xét thấy năng lực đầu tư của anh Minh, chị Thủy với Công ty TNHH Sinh học sạch (Bio Fresh) ngày càng nâng cao giá trị thương hiệu trong và ngoài nước, chính quyền tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cấp phép đầu tư dự án du lịch canh nông công nghệ cao với tổng diện tích hơn 20 ha dưới tán rừng thuộc địa bàn Thái Phiên, Đà Lạt nêu trên.

      Cũng vào thời điểm giữa tháng 5/2020, khu dự án hơn 20 ha của Công ty TNHH Sinh học sạch (Bio Fresh) đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng đường giao thông nội bộ, lắp đặt hệ thống điện, nước; phân định ranh giới các khu quy hoạch chuyên canh trồng dâu tây, phúc bồn tử cùng các loại giống hoa, trái khác nhập khẩu từ Pháp và đã nhân giống thành công tại Khu Du lịch hồ Than Thở, Đà Lạt… “Công ty Bio Fresh chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động đón khách tham quan vào cuối năm 2020”, anh Minh và chị Thủy cùng nói. Nhìn bao quát khu đồi thông dự án du lịch canh nông mới thương hiệu Bio Fresh, tọa lạc bên đường nhựa 723, cách trung tâm phố Đà Lạt khoảng 8 cây số, phóng viên tin rằng khu vực du lịch canh nông nơi đây sẽ nhanh chóng trở thành một điểm đến tham quan, nghiên cứu, hội thảo chuyển giao khao học kỹ thuật, nhân rộng thành những vùng hoa, trái chuyên canh công nghệ cao, giá trị vượt trội trên các vùng sinh thái đặc trưng của Nam Tây Nguyên Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung.
 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,618,286.00