1/21/2020 8:31:00 AM
.

Để ngành hoa lan phát triển bền vững


(Lâm Đồng Online) Những năm gần đây, việc trồng và kinh doanh hoa lan đang nở rộ trong tỉnh. Sản phẩm hoa lan Lâm Đồng đã và đang trở thành là một trong nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. 

 Sức hút từ hoa lan

 Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang chịu áp lực của xu hướng đô thị hóa ngày càng rõ rệt thì những mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp hiệu quả, không cần quỹ đất lớn như trồng địa lan, lan hồ điệp, vũ nữ đang là hướng đi mới cho doanh nghiệp và nông dân Lâm Đồng. 
 
Anh Đỗ Văn Ẩn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Dalata nhận định: Hiện xu hướng tiêu dùng hoa lan trong nước đang tăng lên đáng kể và dự đoán sẽ tăng mạnh trong thập niên tới. Trong các hội nghị, việc trang trí hoa tươi là rất cần thiết và hoa lan luôn là lựa chọn hàng đầu hiện nay bởi vẻ đẹp sang trọng và màu sắc hài hòa phong phú của nó. Nắm bắt được xu thế này, những năm gần đây, nông dân Lâm Đồng đang tập trung phát triển dòng hoa cao cấp phục vụ thị trường, đặc biệt là hoa lan. 
 
Theo anh Ẩn, để có 1.000 m2 trồng hồ điệp nông dân cũng phải đầu tư cả tiền tỷ để xây dựng nhà kính công nghệ cao, trang bị các loại máy móc... chứ không ít. Đầu tư lớn là vậy nhưng đây là dòng hoa cao cấp nên nguồn thu và lợi nhuận mang về cũng rất cao. 
 
Riêng tại Đà Lạt, vì nhiệt độ thấp nên việc trồng lan hồ điệp cần phải tỉ mỉ và đầu tư nhiều công nghệ. Trong khi đó, địa lan phù hợp với tiết trời Đà Lạt nên cây sinh trưởng mạnh, cho hoa đẹp. Do vậy, việc trồng cây này không quá khó như những vùng khác. 
 
Tiến sĩ Phạm Ngọc Tuân - Phó Trưởng Khoa Nông lâm - Trường Đại học Đà Lạt cho rằng: Với những điều kiện thuận lợi riêng về điều kiện tự nhiên cùng với phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng, ngành trồng hoa lan như “cá gặp nước”, đủ điều kiện vươn lên, khẳng định vị thế và tiềm năng của cây hoa lan.
 
Minh chứng rõ rệt nhất là diện tích, sản lượng sản xuất hoa lan trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng qua các năm. Riêng lan hồ điệp, trong dịp Tết Nguyên đán 2020 các doanh nghiệp và các nông hộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị trên 3 triệu cành lan hồ điệp cho thị trường, tăng mạnh khoảng 30% so với tết năm trước. 
 
Hoa lan ở Lâm Đồng hiện được trồng chủ yếu ở Đà Lạt, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, Đơn Dương. Trong đó, nhiều nhất ở huyện Đức Trọng với trên 100 loại và màu sắc khác nhau. 
 
Đẩy mạnh nghiên cứu giống bản quyền 
 
Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Tuân, Lâm Đồng có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp đô thị, đặc thù như hoa lan. Tuy nhiên, thực tế sản xuất hiện còn nhiều hạn chế, khiến năng lực chưa tương xứng tiềm năng, nhất là còn phụ thuộc rất lớn vào giống từ các nước như Thái Lan, Đài Loan. 
 
Dù ngành lan Lâm Đồng đã có bước tiến về giống lan bằng phương pháp cấy mô nhưng hiện rất ít hoa lan được xuất khẩu vì phần lớn giống lan đang trồng tại Việt Nam thuộc bản quyền nước ngoài... Trong khi công tác nghiên cứu giống, lai tạo các loài lan đặc hữu, có bản quyền Việt Nam còn rất chậm.
 
Tại Lâm Đồng, qua điều tra khảo sát, Vườn Quốc gia Cát Tiên đang có nhiều loại lan rừng cho hoa đẹp, có hương thơm và lâu tàn, chùm hoa nở kéo dài từ 1 - 2 tháng mới hết hoa như Bò cạp, Lan giáng hương, Lô hội, Kim điệp, Báo hỉ, Thủy tiên tua… Nhiều loại lan rừng có tác dụng làm thuốc chữa bệnh như loài lan gấm, kim tuyến… 
 
Tại xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng, vườn lan rừng của anh Trịnh Văn Sỹ cũng đang trồng hơn 200 giống lan rừng, trong đó chủ yếu là lan rừng đặc hữu quý hiếm trong nước mà dân chơi hoa lan cả nước đều muốn có.
 
Điều đó cho thấy Lâm Đồng đang có nhiều nguồn gene giống lan quý hiếm, có tiềm năng rất lớn trong việc nghiên cứu phát triển các giống hoa lan rừng, sáng lên tương lai về một thương hiệu hoa lan “production Việt Nam”. 
 
Với những tiến bộ trong ngành invitro, việc tạo ra một số lượng lớn các cây con của các loài lan rừng quý không khó. Tuy nhiên, để có thể duy trì và phát huy hiệu quả công tác bảo tồn, cần có biện pháp duy trì cũng như chăm sóc các cây con trong giai đoạn vườn ươm, triển khai nhân rộng các giống lan rừng để đáp ứng cho thị trường nhằm giảm thiểu việc khai thác trực tiếp trong tự nhiên.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, tiềm năng phát triển sản xuất hoa lan của Lâm Đồng còn rất lớn. Thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp trước mắt, mang tính tạm thời như tập trung đầu tư nâng cao năng lực sản xuất giống, để giảm dần tỷ trọng nhập khẩu. Về lâu dài, UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện hỗ trợ, tạo môi trường cho các đơn vị tập trung ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, lai tạo giống. Sưu tập, thuần hóa làm nguồn lai tạo các loại lan rừng đặc hữu tiến tới đăng ký bản quyền. Đồng thời, nghiên cứu kỹ thị trường trong và ngoài nước để xây dựng vững chắc mối liên kết các nhà và chính sách phát triển hoa lan phù hợp.
 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,618,337.00