10/27/2023 3:02:00 PM
.

Giữ nghề truyền thống vùng đất Trại Hầm


 Trại Hầm trước đây là địa danh nổi tiếng của Đà Lạt về trồng mận, trồng hồng ăn trái và chế biến mứt. Khi cây mận không còn nhiều thì nơi đây vẫn còn những gia đình giữ nghề truyền thống chế biến hồng khô sấy dẻo.

Chị Nguyễn Thị Hồng Tâm cùng các nông sản Đà Lạt sấy khô truyền thống của gia đình mình

 Một trong những gia đình đó là nhà chị Nguyễn Thị Hồng Tâm, 41 tuổi, trên đường Hoàng Hoa Thám, Trại Hầm, thuộc Phường 10, Đà Lạt. 

Điều thú vị, chị Tâm là người Phan Rang, Ninh Thuận, theo chồng về làm dâu đất Trại Hầm rồi theo nghề truyền thống sấy hồng khô của gia đình chồng. 

Mẹ chồng chị, bà Lương Thị Trầm, từng có lò chế biến mứt mận và làm hồng khô sấy dẻo nuôi sống cả gia đình trong nhiều năm trước đây. Khi cây mận nơi đây thưa vắng dần vì thoái hóa giống, vì năng suất thấp thì cây hồng vẫn được nhiều người giữ lại trên những triền đất Trại Hầm dốc đứng. Bà Trầm hầu như cả đời làm nghề chế biến hồng này. Lớn tuổi, bà truyền nghề lại cho con dâu. Nối nghiệp nghề của mẹ chồng để lại, chị Tâm không chỉ duy trì mà còn làm cho cơ sở có thêm bước phát triển. 

Để đủ nguyên liệu sản suất, chị Tâm trong nhiều năm nay không chỉ mua hồng ăn trái ở khu vực Trại Hầm gần nhà mà còn mua khắp Đà Lạt, nhiều nhất là hồng trái ở Sở Lăng - vùng đất dưới chân đèo Mimosa. Khi hồng Đà Lạt hết mùa, gia đình chị chuyển sang mua hồng ở vùng D’ran, Đơn Dương. 

Theo chị Tâm, mùa hồng trái hằng năm ở Lâm Đồng thường kéo dài chừng 5 tháng, từ tháng 8 - tháng 9 Dương lịch đến trước Tết Âm lịch. Trung bình mỗi năm, gia đình chị tiêu thụ trên trăm tấn hồng tươi cho người trồng. “Mùa hồng năm nay sai trái, hồng tươi Đà Lạt được giá, chừng 17 ngàn đồng/ ký, tăng nhiều so với các năm trước, người bán, người mua đều vui, người bán được giá còn người mua cũng có hồng tốt để làm hàng” - chị vui vẻ. 

Theo chị, có rất nhiều giống hồng ăn trái ở Đà Lạt và Đơn Dương mà người rành thì nhìn vào sẽ biết. Như hồng trái trứng lốc chẳng hạn, có hình dáng như quả trứng gà, để chín cây tự nhiên rất ngon, màu đỏ đẹp, vỏ lụa mỏng dễ lột, trái chín mềm, mọng, ít nước, ngọt thanh. Rồi có loại hồng chuyên sử dụng để ủ hồng giòn, có loại chuyên dùng để sấy hồng dẻo. Hồng dùng để sấy dẻo cũng được chọn lựa kỹ, đó là các loại hồng trứng, hồng vuông đồng, nhưng loại cho sản phẩm sấy khô đẹp nhất theo chị Tâm, chính là hồng Tám Hải. Giống hồng Tám Hải này mang tên của một người ghép tại Đơn Dương, trái vuông, cao, khi sấy cho màu hồng rất đẹp, để lâu vẫn mềm, ngọt. 

Hồng sấy nhà chị Tâm được làm theo kiểu truyền thống với lò sấy bằng than. Trung bình trong mùa hồng mỗi ngày nhà chị sử dụng trên 15 tạ hồng tươi để chế biến. Trong nhà luôn có 5 người làm, gồm 2 người trực bếp, 3 người còn lại gọt vỏ và ủ trái. Hồng trái mua về được ủ chín, gọt vỏ rồi đưa vào lò sấy. 

Nhà dùng sấy của gia đình chị Tâm rộng chừng 100 m2, với 10 lò hoạt động hằng ngày. Trái hồng chín được gọt vỏ, chẻ ra, đưa vào lò sấy lửa lớn, khi hồng vừa đủ độ héo mặt sẽ được chuyển sang các tủ sấy để tiếp tục làm khô, chừng 4 ngày ra sản phẩm. 

“Để có sản phẩm đẹp, ngon, mình phải chọn hồng ăn trái giống tốt, hàng đẹp để mua, không được mua hàng xả để làm. Trong lúc sấy cần duy trì độ lửa phù hợp, sấy thật kỹ để hồng lên màu đẹp. Hồng khi sấy khô phải mềm, ngọt, hơi có mùi khói của lò sấy, nhiều người sử dụng quen rất thích hồng sấy khô có mùi khói này” - chị Tâm cho biết.

Theo chị Tâm, cứ chừng 5 tạ hồng tươi, sản phẩm sau khi sấy khô ra lò được chừng 70-80 kg. Hồng sấy khô này được gia đình chị cung cấp cho các quầy đặc sản tại chợ Đà Lạt và trong thành phố; giá bán sỉ mỗi ký 250 ngàn đồng; còn bán lẻ 300 ngàn đồng/ký.

“Nhiều người hỏi tôi sao không làm hồng trái treo gió công nghệ mới đang thịnh với rất nhiều người làm tại Đà Lạt hiện nay, nhưng nhà tôi bao nhiêu năm nay với cách sấy than này cũng tiêu thụ rất ổn. Với lại mỗi loại hồng sấy đều có khách hàng riêng của mình mà” - chị tâm sự.

Chị Tâm cho biết, khi kết thúc mùa hồng, để tạo thêm công ăn việc làm, gia đình chị Tâm còn chế biến, sấy khô thêm nhiều loại hàng nông sản khác của Đà Lạt như chuối, dâu tây, khoai lang mật… và hầu hết hàng được thị trường rất chuộng. Gần đây gia đình chị đã thành lập một Hợp tác xã mang tên “Huỳnh Gia” để liên kết chế biến, tiêu thụ các loại nông sản Đà Lạt. Chị còn mở thêm các kênh bán hàng trực tuyến qua hệ thống mạng điện tử. 

“Chúng tôi sấy nhiều loại nông sản nhưng thế mạnh vẫn là hồng sấy khô. Cây hồng đã có lúc diện tích giảm xuống, giá hạ nên nhiều người chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị hơn nhưng gần đây những vùng ven Đà Lạt đã bắt đầu trồng lại nhiều như trong Lạc Dương chẳng hạn. Giữ được một nghề truyền thống và sinh sống được với nó cũng là một niềm vui của bản thân tôi và cả gia đình chúng tôi lâu nay” - chị Tâm chia sẻ.

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,619,261.00