11/19/2021 8:57:00 AM
.

Lâm Đồng nâng tầm chất lượng cho du lịch canh nông


Là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, một mô hình được kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch để tạo nên trải nghiệm mới dành cho du khách khi đến Lâm Đồng, sau nhiều năm triển khai đến nay, mô hình này đã đem lại những hiệu quả tích cực trong việc góp phần quảng bá hình ảnh du lịch cũng như những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, từ đó nâng cao giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu nông sản, thu hút khách du lịch đến địa phương, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế cho tỉnh Lâm Đồng nói chung và ngành du lịch nói riêng. Hiểu rõ giá trị mà du lịch canh nông mang lại, vì vậy làm gì để nâng cao chất lượng du lịch canh nông là vấn đề được tỉnh Lâm Đồng hướng đến!.

 

Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 33 mô hình du lịch canh nông được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cấp phép hoạt động, dựa trên các tiêu chí đánh giá quy định của cơ quan có thẩm quyền, các mô hình du lịch canh nông sau khi được cấp phép có hiệu lực trong thời gian 3 năm. Là loại hình du lịch kết hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp du khách có những trải nghiệm thực tế về các quy trình trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, thu hoạch các mặt hàng nông sản mang lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng.

Qua đánh giá bước đầu cho thấy, các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã từng bước được đa dạng hóa, các mô hình ngày càng được đầu tư, chú trọng về chất lượng, sản phẩm để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Theo thống kê, đến nay diện tích triển khai các mô hình du lịch canh nông trên 302 ha, tổng vốn đầu tư các mô hình du lịch canh nông đạt khoảng 377 tỷ đồng. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tại các mô hình du lịch canh nông ngày càng được nâng cao, thu hút và giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, lượng khách du lịch đến tham quan các mô hình du lịch canh nông đạt gần 6 triệu lượt khách, với tổng doanh thu từ các mô hình du lịch canh nôngđạt gần 250 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 25 tỷ đồng.

Điển hình như mô hình du lịch canh nông khu phố Hồ Xuân Hương, phường 9 Đà Lạt, với sự liên kết giữa vườn lan YSA Orchid, vườn dâu Thanh Trung, vườn bí ngô khổng lồ; mô hình du lịch canh nông tuyến Trại Mát, phường 11- Đà Lạt với sự liên kết giữa DL Nature’s, Trung tâm tâm nghiên cứu & Thực hiệm Nông nghiệp Đà Lạt, cánh đồng hoa Cẩm Tú Cầu, trang trại DoLy, cà phê Suối Hồng, Hầm Hỏa Xa …Ngoài ra, nhiều mô hình du lịch canh nông được nhân rộng và thu hút du khách gần xa như Cầu Đất Farm với mô hình nông trường chè, tham quan nhà máy Trà Cổ 100 tuổi, khu nhà kính công nghệ cao; Làng Nấm Đà Lạt của Công ty TNHH Việt Tấn Phúc với mô hình tham quan làng nấm, quy trình sản xuất, chế biến các loại nấm sấy, sản phẩm hạt nêm làm từ nấm; Trang trại Rau và Hoa của Công ty TNHH Rau Thủy canh Đà Lạt với mô hình tham quan trưng bày sản phẩm rau, hoa, khu canh tác rau, củ sạch trong nhà kính…; Thiên đường cà phê Arabica Thúy Thuận thuộc Công ty TNHH XNK Thúy Thuận tại Tà Nung, với mô hình tham quan quy trình nhà máy rang xay cà phê Arabica trái tươi, Robusta rang xay dạng hạt, bột và thưởng thức các loại đồ uống được chế biến từ cà phê; Trà và Rượu vang Vĩnh Tiến của Công ty TNHH Vĩnh Tiến, với mô hình tham quan quy trình sản xuất các dòng rượu vang, nuôi cấy Đông Trùng Hạ Thảo, tham quan làng người lùn Hobbit, vùng cổ tích Fairytale Land; Mô hình du lịch canh nông Đạ Lạch Noah của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Đông A là nơi trải nghiệm quy trình canh tác các sản phẩm nấm linh chi, dâu tây, rau, củ, quả, vườn cây ăn trái và dịch vụ lưu trú..v.v..

Từ kết quả này cho thấy, các sản phẩm của mô hình du lịch canh nông đã từng bước phát huy được những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, góp phần phát huy những tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp để khai thác có hiệu quả những sản phẩm mới phục vụ du lịch, qua đó tạo thêm thu nhập, giải quyết việc làm và quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm, mô hình du lịch canh nông ở Lâm Đồng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, bởi một số quy định trong Bộ tiêu chí đã ban hành trước đây không còn phù hợp với quy định hiện hành.

Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 933 Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Từ Quyết định này, đã tạo ra hành lang pháp lý trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trước đây, nhằm nâng cao chất lượng cho loại hình du lịch canh nông.

Theo đó, trên cơ sở thẩm định của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, các tổ chức, cá nhân muốn công nhận mô hình du lịch canh nông phải đạt được 100% tiêu chí bắt buộc và tối thiểu 50% tiêu chí khuyến khuyến theo bộ tiêu chí quy định của tỉnh. Trong đó, diện tích đất để thực hiện mô hình du lịch canh nông phải có từ 5.000m2 trở lên đối với thành phố Đà Lạt và 10.000m2 đối với các huyện, thành phố Bảo Lộc. Diện tích đất được phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình có mái che (cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ Du lịch canh nông), với tỷ lệ không quá 5% đối với diện tích từ 5.000 - 7.000 m2, 4% với diện tích từ trên 7.000 - 10.000 m2 và 3% với diện tích trên 10.000 m2. Các mô hình du lịch canh nông phải có không gian thoáng mát, xanh, sạch, đẹp…

Đặc biệt, cũng theo quy định của tỉnh mô hình du lịch canh nông phải đảm bảo tối thiểu 4 yếu tố cần thiết, đó là sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động nông nghiệp; mua bán sản phẩm nông nghiệp để gia tăng loại hình sản phẩm du lịch và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; mang đến tính giải trí, giáo dục và các hoạt động nâng cao tri thức cho du khách.

Theo ông Lê Hữu Phan – Chủ nhân của vườn bí ngô khổng lồ, thuộc mô hình du lịch canh nông khu phố Hồ Xuân Hương, phường 9 Đà Lạt thì không thể phủ nhận những lợi ích mà du lịch canh nông đã mang lại cho người nông dân. Bởi trước đây, người nông dân chỉ sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, làm và bán sản phẩm thông qua thương lái, thì kể từ khi kết hợp với du lịch, sản phẩm làm ra đã được du khách biết đến nhiều hơn. Nhờ đó giá trị lợi nhuận của sản phẩm nông nghiệp cũng cao hơn.

Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng việc ban hành Quyết định 933 Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông là việc làm hết sức cần thiết, Từ quy chế được ban hành, trên cơ sở khuyến khích các tổ chức, cá nhân nếu muốn đưa mô hình vào phục vụ phải đáp ứng được các tiêu chí đề ra, thì phải chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm, nguồn nhân lực du lịch để phục vụ du khách gần xa. Bởi du lịch canh nông cũng là một trong 4 sản phẩm đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng cùng với rau, hoa, cà phê Arabica, nằm trong thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ điệu từ đất lành”.

Vì vậy, nâng tầm chất lượng cho du lịch canh nông cũng sẽ là điều kiện thuận lợi góp phần làm cho loại hình du lịch canh nông của tỉnh Lâm Đồng đảm bảo tính quy mô, nâng cao về mặt chất lượng, hướng đến sự chuyên nghiệp và mang tính bền vững./.

Tuyết Ngọc


 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,618,898.00