7/24/2023 1:26:00 PM
.

Hoa sen Đa Lộc và hướng phát triển kinh tế cho phụ nữ nông thôn


 Với mong muốn đem các sản phẩm từ hoa sen Đa Lộc trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, cô gái trẻ Lê Trần Ngọc Sương (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) đã dồn hết tâm huyết cho loài hoa mới này và mở ra hướng phát triển kinh tế cho phụ nữ vùng nông thôn. 

Trong khu vườn của gia đình canh tác rau màu hơn 40 năm qua tại thôn Trung Hiệp, cô gái trẻ thế hệ 9X Lê Trần Ngọc Sương đang trồng thêm một loại cây mới mang tên hoa sen Đa Lộc. Vốn là đầu bếp chuyên nghiệp làm việc ở các khách sạn 5 sao, Ngọc Sương nhận thấy các món ăn từ Thái Lan và Malaysia chế biến từ hoa sen Đa Lộc được khách quốc tế yêu thích. Qua tìm hiểu, Ngọc Sương biết được cây hoa này thường được trồng ở vùng triền núi, có tác dụng chống xói mòn đất, thích hợp trồng ngoài trời không cần nhà kính. Chế độ chăm sóc chủ yếu là phân chuồng hữu cơ, ít sâu bệnh hại, kỹ thuật canh tác đơn giản nên cho ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Vậy là cô gái trẻ tìm mua 100 cây giống ban đầu về trồng trên mảnh đất vườn nhà, đến nay đã nhân rộng lên 1.000 m2. Đồng thời, liên kết với một số hộ và bao tiêu sản phẩm hoa tươi để nhập cho các vựa hoa lớn ở các tỉnh, thành trên cả nước, một phần làm trà hoa. Với mỗi bông hoa được thu mua từ 8-10 ngàn đồng, sau khi trừ chi phí mỗi tháng thu được từ 20-30 triệu đồng/1.000 m2, hoa ra nhiều và cắt quanh năm với tuổi thọ 15 năm nên tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ trồng. 

“Đây là loài sen trồng trên cạn nhưng cần phải tưới nước đầy đủ, khoảng 8 tháng cây bắt đầu cho ra hoa đỏ tươi tắn. Hoa sen Đa Lộc có ưu điểm là giữ được rất lâu, có thể chưng từ 5-7 ngày mà nước không bị đổi màu. Đây vừa là loài hoa trang trí mang ý nghĩa tài lộc với màu đỏ may mắn nên rất phù hợp để chưng cắm trong nhà hay vào các dịp lễ, tết, vừa là dược liệu tốt cho sức khỏe, hiện đang rất được thị trường ưa chuộng. Với thổ nhưỡng phù hợp, loài hoa này đã phát triển tốt trên mảnh đất Hiệp An - nơi nổi tiếng chuyên trồng hoa lay ơn. Mình mong muốn hoa sen Đa Lộc sẽ trở thành một trong những loại hoa đặc trưng của địa phương”, Ngọc Sương chia sẻ.

Ngoài trồng cây làm cảnh và lấy hoa tươi trưng bày, với các thành phần trong cây hoa sen Đa Lộc có nhiều công dụng khác nhau tốt cho sức khỏe, bên cạnh chế biến trong món ăn, làm nước sốt..., Ngọc Sương tìm tòi làm ra loại trà từ thảo mộc này. Hiện, sản phẩm trà hoa sen Đa Lộc của Ngọc Sương đang được nhập vào các chuỗi siêu thị lớn. Cô gái trẻ cũng đang mày mò chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ sen Đa Lộc như mứt, siro, nước ép, rượu, tinh dầu, nến hoa... Ngọc Sương đang xây dựng nhà xưởng và xin giấy phép chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để cuối năm nay cho ra mắt các sản phẩm chế biến từ hoa sen Đa Lộc. 

Với 1.000 m2 trồng hoa để bán hoa tươi và làm trà hoa, Công ty TNHH S.GREEN Đà Lạt của Ngọc Sương đang tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số với khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng. Cô gái trẻ cũng đang triển khai làm du lịch canh nông từ vườn hoa sen Đa Lộc, du khách được trải nghiệm trồng hoa, cắt hoa và làm các sản phẩm từ hoa như cắm hoa, làm nến thơm, dùng ẩm thực từ hoa... Bên cạnh đó, kết hợp quảng bá và kinh doanh các loại nguyên vật liệu, chế phẩm hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây sen Đa Lộc như thuốc nhuộm từ củ, giỏ đan, thảm đan, túi xách từ thân cây... Từ đó thúc đẩy thêm việc trồng trọt cũng như canh tác sen Đa Lộc trở thành vùng nguyên liệu ở địa phương. Đặc biệt, với vị trí là cửa ngõ vào TP Đà Lạt và gần làng gà Đarahoa, Ngọc Sương kỳ vọng khu du lịch canh nông của mình sẽ kết hợp quảng bá du lịch văn hóa của đồng bào dân tộc K’Ho tại địa phương. Trong dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022 vừa qua, gian hàng hoa sen Đa Lộc của Công ty TNHH S.GREEN Đà Lạt là điểm mới được đông đảo du khách ghé tham quan. 

“Mô hình trồng và chế biến các sản phẩm từ cây sen Đa Lộc của chị Lê Trần Ngọc Sương là mô hình mới ở địa phương, không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình chị mà còn tạo ra công ăn việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương. Đây cũng là hướng phát triển kinh tế phù hợp cho phụ nữ vùng nông thôn”, bà Đặng Thị Hiệp - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Trọng cho biết. 
http://baolamdong.vn/

 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,626,667.00