7/6/2020 8:12:00 AM
.

Thương hiệu cho cây hồng Đà Lạt


(Lâm Đồng Online) Hồng, loại trái cây ôn đới nổi tiếng của phố núi Đà Lạt vừa được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hồng Đà Lạt”. Từ quá khứ chìm nổi của trái hồng, sự thăng trầm, gắn bó với người nông dân Đà Lạt cho tới hôm nay, trái hồng đã tìm thấy vị thế xứng đáng của một loại trái cây đặc sản của phố núi.


Hồng sấy gió đặc sản Đà Lạt


Thăng trầm trái hồng

Là loại cây ôn đới khá đặc thù, cây hồng ăn trái trồng tập trung ở Đà Lạt và vùng D’Ran (Đơn Dương) lân cận. Ở thời thịnh trị, cây hồng giúp người nông dân làm giàu với giá cả rất cao. Tuy nhiên, do đặc thù trái hồng chỉ chín trong một thời gian ngắn, lượng tiêu thụ nội địa không “tải” nổi, thị hiếu thị trường thay đổi nên trái hồng sụt giá nghiêm trọng. Cây không mang lại thu nhập, nông dân buông dần, không chăm sóc, dẫn tới hậu quả diện tích hồng suy giảm dần, những cây còn lại còi cọc, năng suất thấp, sâu bệnh.

Cho tới khi từ sự hợp tác giữa thành phố Đà Lạt với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nghề làm hồng treo gió đã thổi một “luồng gió” mới đến với cây hồng Đà Lạt. Từ năm 2010, hợp tác Đà Lạt - JICA đã giúp cây hồng Đà Lạt hồi sinh. Tới mùa hồng chín, những dây hồng vàng rực đã giúp người nông dân có những trái hồng treo gió đặc sản, giúp trái hồng kéo dài thời gian tới với tay người tiêu dùng. Hồng Đà Lạt không chỉ ăn trái tươi mà còn là những trái hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản mềm, dẻo, mang vị ngọt nguyên bản của những trái hồng cao nguyên.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết, Đà Lạt đang nghiên cứu để đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền bảo hộ cho những giống hồng đặc sản có nguồn gốc Đà Lạt như hồng vuông ông Đồng, hồng Tám Hải. Việc bảo hộ về giống sẽ giúp hồng Đà Lạt giữ vững vị thế là vùng sản xuất hồng lớn nhất Việt Nam. Ngoài diện tích hồng trên địa bàn thành phố, Đà Lạt cấp cả quyền sử dụng nhãn hiệu cho các cá nhân, doanh nghiệp trồng, sản xuất kinh doanh hồng các vùng phụ cận như Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương, nhằm mở rộng thương hiệu “Hồng Đà Lạt”.
Hồng lên giá, được người tiêu dùng ưa chuộng, người nông dân quay lại với cây trồng đã gắn bó với đời sống người phố núi. Diện tích hồng được khôi phục, nông dân quan tâm nhiều hơn đến việc lai tạo, chọn lựa giống mới cho năng suất cao hơn, ra trái muộn hơn, chất lượng ngày càng ngon hơn và ít mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết. Những giống hồng nổi tiếng như hồng vuông Đồng, hồng Tám Hải, hồng Trứng… được nông dân nhân giống rộng rãi. Cây hồng bắt đầu trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao, đồng thời góp phần không nhỏ tạo cảnh quan, giữ môi trường nông nghiệp bền vững.


Phát huy thương hiệu vùng hồng

Hiện hồng Đà Lạt đạt diện tích 370 ha, hầu hết trồng xen trong vườn cà phê. Mỗi vụ, Đà Lạt cung cấp trên 4 ngàn tấn hồng ăn trái dạng tươi và 450 tấn được đưa vào lò sấy điện cũng như sấy gió. Với giá trung bình từ 10-12 ngàn đồng/kg, cuối mùa có thể lên tới 30 ngàn đồng/kg, cây hồng thực sự đang mang lại nguồn thu không nhỏ cho nông dân, bên cạnh cây cà phê truyền thống. Chính vì vậy, diện tích hồng ngày càng được mở rộng với các giống hồng chất lượng cao.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt chia sẻ, cây hồng vẫn còn chịu nhiều sức ép trong quá trình phát triển. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật về phát triển cây hồng ăn trái chưa nhiều, nông dân vẫn trồng, chế biến theo kinh nghiệm là chính. Ngoài ra, thương hiệu hồng Đà Lạt cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi hồng trái nhập ngoại gắn mác “Hồng Đà Lạt”. Ông Sơn cho biết: “Thành phố Đà Lạt quyết xây dựng thương hiệu cho cây hồng cũng nhằm bảo vệ danh tiếng của loại trái đặc thù này. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ bà con về kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thay đổi giống cũng như xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hồng tươi, hồng chế biến. Việc hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất hồng khô từ cây trong vườn tới trái sấy đưa đến người tiêu dùng cũng là ưu tiên của Đà Lạt”. Việc hồng Đà Lạt được cấp nhãn hiệu chứng nhận đã đi một bước dài trong việc nâng cao giá trị trái hồng, giúp loại trái đặc sản này phát triển bền vững trên vùng đất ôn đới.
 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,618,090.00