7/31/2020 4:35:00 PM
.

Xây dựng chuỗi giá trị - cần thêm cơ chế thuận lợi


 Qua nhiều năm hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng gắn với thị trường tiêu thụ các sản phẩm vật nuôi, cây trồng, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Lâm Đồng đang cần thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tạo thuận lợi xây dựng và phát triển hiệu quả hơn nữa. 
 
Nhiều hợp tác xã đang rất cần nguồn vốn ưu đãi đầu tư để mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng với các thành phần kinh tế
Nhiều hợp tác xã đang rất cần nguồn vốn ưu đãi đầu tư để mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng với các thành phần kinh tế
 
Hơn 6 năm chuyển mô hình hoạt động theo Luật HTX mới, HTX An Phú, huyện Đức Trọng đã và đang phát triển sản xuất khá ổn định theo chuỗi giá trị liên kết gắn với tiêu thụ trên tổng diện tích hơn 17 ha rau VietGAP, có 17 nông hộ thành viên tham gia. Hàng năm chuỗi liên kết này đạt bình quân sản lượng cà chua, ớt ngọt, dưa leo… thu hoạch, sơ chế, đóng gói phân bổ ra thị trường khoảng 220 tấn. Theo đó, HTX cung ứng toàn bộ nguồn vật tư đầu vào như phân bón, giống, thuốc phòng trừ sâu bệnh, đồng thời trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho hộ thành viên. Đến lúc thu hoạch, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm và khấu trừ dần vào nguồn vốn đầu tư ban đầu. Thị trường tiêu thụ của HTX gồm một phần hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, rau sạch trong nước, đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 5,5%, uy tín thương hiệu rau VietGap “AP” của HTX ngày càng có vị trí xứng đáng trên thị trường. 
 
Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động chuỗi giá trị, HTX An Phú, Đức Trọng đã và đang gặp không ít khó khăn, cần thêm nhiều cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước. Theo Giám đốc HTX Lê Văn Ba đề xuất: “Cơ quan nhà nước địa phương cần có chính sách quy hoạch đặc thù cho từng khu, từng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cây trồng, vật nuôi từ các vùng lân cận. Qua đó, tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi đảm bảo tưới tiêu quanh năm. Đặc biệt, ngành ngân hàng cần có cơ chế cho vay ưu đãi dài hạn để đầu tư phát triển chuỗi giá trị sản xuất công nghệ cao, tăng thu nhập cho phía HTX và phía hộ thành viên…”. 
 
Ở HTX Chăn nuôi heo VietGAHP huyện Di Linh với 15 hộ thành viên liên kết chăn nuôi đạt sản lượng bình quân mỗi năm hơn 120 tấn thịt. Trong năm vừa qua, nhờ tích cực, chủ động phòng ngừa, tổng đàn heo 2.800 con của HTX đã tránh được các dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, heo tai xanh… Kết quả doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng, thu nhập của cán bộ, nhân viên HTX đạt từ 6,2 triệu đồng đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. 
 
Mặc dù vậy, nếu nhìn ở phạm vi rộng hơn thì hộ thành viên HTX mới chỉ thụ hưởng chủ yếu ở dịch vụ làm đại lý cho các công ty thức ăn gia súc, trong khi chưa có điều kiện tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu riêng về sản phẩm chăn nuôi của mình. 
 
Theo Giám đốc HTX Nguyễn Danh Cẩn, giai đoạn phát triển 5 năm tới, HTX Chăn nuôi heo VietGAHP huyện Di Linh rất cần thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ chế biến, xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa HTX với các thành phần kinh tế khác, tạo điều kiện cho HTX mở rộng quy mô chăn nuôi, gia tăng giá trị sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.
 
Tương tự, nếu được cơ quan nhà nước địa phương có thêm cơ chế, chính sách mới hỗ trợ về vốn vay ưu đãi đầu tư, kết nối giao thương, xây dựng mô hình liên kết với các thành phần kinh tế khác…, HTX Nông nghiệp Hùng Thắng ở huyện Lâm Hà sẽ đặt ra mục tiêu phấn đấu chế biến sản phẩm mắc ca chủ lực của hộ gia đình thành viên trên địa bàn trở thành sản phẩm OCOP quốc gia trong thời gian tới. Đây là HTX mới thành lập hơn một năm có bước phát triển đáng khích lệ. Cụ thể, HTX đã thuê đất làm nhà kho, đầu tư thiết bị máy móc sơ chế, chế biến trên tổng sản lượng thu hoạch 48 tấn cà phê và 5 tấn mắc ca trên tổng diện tích sản xuất 12 ha của 12 hộ thành viên. Hoạt động năm đầu tiên này, HTX đã thu về lợi nhuận hơn 250 triệu đồng, tạo mức thu nhập ổn định cho lao động địa phương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng...
 
Theo Liên minh HTX Lâm Đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 55 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia tăng, giải quyết cơ bản đầu ra sản phẩm vật nuôi, cây trồng cho hộ thành viên. Bên cạnh những kết quả đạt được khá quan trọng, nhiều HTX vẫn đang gặp hạn chế, khó khăn chung về xây dựng dự án, tầm nhìn chiến lược, nguồn vốn đầu tư, kinh nghiệm thị trường, hình thức tổ chức mở rộng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Bởi vậy, các sở, ngành liên quan trong tỉnh Lâm Đồng cần quan tâm điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa, giúp HTX không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng của mình.
VĂN VIỆT
http://www.baolamdong.vn/

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,618,616.00