6/23/2020 7:45:00 AM
.

Xây dựng mã định danh cho đặc sản Đà Lạt


(LĐ online) - Việc xây dựng chương trình mã số mã vạch sẽ giúp đặc sản Đà Lạt tăng khả năng cạnh tranh, bảo vệ thương hiệu, chống gian lận thương mại cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

 

Khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc nhờ mã số, mã vạch in trên bao bì
Khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc nhờ mã số, mã vạch in trên bao bì

Hiện nay, mặt hàng đặc sản Đà Lạt bị xâm hại ngày càng nhiều do tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng đặc sản không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt là hàng Trung Quốc từ các nơi tuồn về Đà Lạt, sau đó gắn nhãn mác, mạo danh thương hiệu đặc sản của Đà Lạt.  
 
Hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu đặc sản Đà Lạt. Chính vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc hàng đặc sản Đà Lạt thông qua mã số, mã vạch cho các cơ sở sản xuất, chế biến hàng đặc sản là rất cần thiết và kịp thời, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng, nhất là du khách khi đến nghỉ dưỡng, mua sắm tại Tp Đà Lạt. 
 
Ông Đặng Hồng Khoa – Giám đốc Công ty TNHH Rau hoa Song Bill cho biết, từ 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp đã tiến hành đăng ký và in mã số mã vạch trên từng bao bì sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Việc này giúp doanh nghiệp dễ quản lý sản phẩm, còn người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, cũng như an tâm sử dụng hơn. 
 
Theo ông Khoa, với những tiện ích đem lại, việc áp dụng mã số mã vạch ngày càng phổ biến, quy mô lớn hơn, các chức năng của mã số, mã vạch được mở rộng. Ngoài việc thanh toán tiền hàng cho khách, mã số mã vạch còn làm nhiệm vụ quản lý giá, dự trữ, chất lượng hàng hóa và hạn sử dụng, phát hiện hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Lạt có khoảng 183 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh các mặt hàng đặc sản Đà Lạt; trong đó, có một số doanh nghiệp lớn như: Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng, Công ty TNHH Ngọc Duy, L’angfarm... Sự đa dạng về chủng loại kết hợp với sự tươi ngon của các loại đặc sản Đà Lạt đã thu hút được sự quan tâm của du khách khi đến tham quan. 
 
Tuy nhiên, vì lợi nhuận nhiều đơn vị cũng đã nhập các loại đặc sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ gắn nhãn mác giả danh đặc sản Đà Lạt. Bà Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng quầy hàng đặc sản chợ Đà Lạt, cho biết trên địa bàn TP Đà Lạt chỉ có một số loại nông sản được trồng, chế biến và đóng gói ngay tại địa phương như: Rau củ quả sấy khô, hồng sấy, mức dâu, nước cốt chanh dây, chuối laba… Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở chợ Đà Lạt là khách du lịch đến Đà Lạt chiếm khoảng 80%.
 
Khi được triển khai chương trình mã số mã vạch, các tiểu thương ở chợ rất vui mừng, bởi việc đăng ký truy xuất nguồn gốc sẽ hỗ trợ khách hàng trong việc tìm mua các mặt hàng đúng là đặc sản của Đà Lạt. Dù mới đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đối với người sản xuất, cơ sở kinh doanh thì việc xây dựng nhãn hiệu, gắn mã định danh cho sản phẩm là cơ hội để quảng bá và tăng tính trách nhiệm về chất lượng hàng hóa do mình sản xuất. “Chúng tôi luôn khuyến khích người tiêu dùng khi mua hàng thực hiện việc truy xuất nguồn gốc bằng mã số mã vạch ngay tại quầy. Mình phải làm để tạo thói quen cho khách hàng, để họ biết thông tin sản phẩm, từ đó tạo niềm tin cho khách hàng” - bà Tuyết nói.
 
Để chấn chỉnh triệt để tình trạng hàng hóa mạo danh đặc sản Đà Lạt, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đã triển khai Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng đặc sản Đà Lạt. Hiện, Sở Công thương đã lựa chọn 70 cơ sở, hộ tiểu thương để triển khai thí điểm. 
 
Ông Ngô Thanh Sơn – Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 436 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký mã số mã vạch; trong đó, có 18 cơ sở sản xuất, chế biến đặc sản Đà Lạt đang sử dụng mã số mã vạch hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận. 
 
Mã số mã vạch là dãy số đặc trưng để phân định hàng hóa này với hàng hóa khác. Mỗi loại hàng hóa được nhận diện bởi một dãy số và mỗi một dãy số chỉ tương ứng với một loại hàng hóa. Nó như là “thẻ căn cước” của hàng hóa, giúp phân biệt được nhanh chóng và chính xác các loại hàng hóa khác nhau.
 
Đặc sản Đà Lạt được nhiều du khách lựa chọn mua sắm khi đến nghỉ dưỡng tại TP Đà Lạt
Đặc sản Đà Lạt được nhiều du khách lựa chọn mua sắm khi đến nghỉ dưỡng tại TP Đà Lạt
 
Theo ông Sơn, điều đáng mừng là các tiểu thương đã ý thức hơn về tầm quan trọng của công cụ mã số mã vạch trong bán lẻ, thông qua việc hướng dẫn cho khách hàng quét mã vạch hoặc QR Code bằng phần mềm Scan&Check hoặc Zalo...  
 
Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí cho cơ sở sản xuất, chế biến mặt hàng đặc sản Đà Lạt đăng ký mã số, mã vạch với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để được cấp giấy chứng nhận và hỗ trợ 2 phí duy trì sử dụng mã số mã vạch. Đồng thời, Sở Công thương sẽ tổ chức lớp tập huấn để phổ biến các kiến thức cơ bản về mã số mã vạch, hướng dẫn cho các cơ sở cấp mã số vật phẩm cho từng sản phẩm, cách thức áp dụng phần mền kê khai trực tuyến.
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,617,740.00