10/4/2022 10:32:00 AM
.

Xuất khẩu hoa Lâm Đồng – Những tín hiệu vui


Được xem là vùng chuyên canh hoa cắt cành lớn nhất cả nước, thương hiệu hoa Đà Lạt – Lâm Đồng đã được xây dựng và khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước từ nhiều năm qua. Kết quả này chính là nổ lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chuyên trồng hoa đã không ngừng áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, góp phần giúp ngành hoa Lâm Đồng tiếp tục trên đà tăng trưởng khá về mặt sản lượng lẫn giá trị kinh tế, trở thành sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng, đồng thời là sản phẩm được lựa chọn để xây dựng thương hiệu “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.



Trên 6 sào hoa cúc thương phẩm được trồng, chăm sóc cẩn thận, chờ ngày thu hoạch để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, ông Nguyễn Văn Minh, ngụ tại thôn Păng Tiêng I, xã Lát, huyện Lạc Dương phấn khởi cho biết, lứa hoa này đã được ông xuống giống gần 3 tháng nay, với hai loại hoa chủ lực là Hoàng gia đỏ và Kim cương trắng. Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất hoa, đặc biệt là có thời gian ông cũng liên kết với Công ty Đà Lạt Hasfarm để sản xuất hoa cẩm chướng cắt cành xuất khẩu, nhờ thế mà ông đã tích lũy nhiều vốn kiến thức trong trồng, chăm sóc hoa các loại theo hướng xuất khẩu để nâng cao thu nhập. Hiện tại, với 6 sào đất chuyên dùng này, ông đã chia nhỏ thành từng khu riêng biệt để trồng gối vụ nhằm đảm bảo lúc nào cũng có thu hoạch để liên kết với Công ty TNHH Huyh Rim xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Trên diện tích này, mỗi năm ông trồng khoảng 4 lứa hoa, với giá bán khoảng 2.400 đồng/cành đối với bông loại A, 2.000 đồng/cành đối với bông loại B, 1.300 đồng/cành đối với bông loại C. Theo tính toán của ông Minh, với giá bán này cao hơn so với xuất bán ở thị trường nội địa, sản phẩm đầu ra cũng ổn định, tổng nguồn thu từ hoa hàng năm đạt gần 1,5 tỷ đồng.


Còn tại trang trại hoa của Công ty TNHH Dalat Evergreen, đóng chân trên địa bàn huyện Đơn Dương, hoạt động xuống giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch hoa xuất khẩu cũng nhộn nhịp hơn hẳn so với trước đây. Nếu so sánh cùng thời điểm này năm ngoái, đơn vị chỉ sản xuất và cung ứng cho thị trường trên diện tích khoảng 5hecta. Nhưng năm nay, đơn vị đã dành diện tích hơn 8 hecta, tăng 3 hecta để sản xuất các loại hoa cắt cành để xuất khẩu, phục vụ thị trường các nước. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, công ty đã xuất bán sang Nhật Bản khoảng 9 triệu cành hoa các loại, tăng hơn 30% về sản lượng và 7% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, đơn vị cũng tiếp tục chú trọng hoạt động xuất khẩu sang thị trường Austraulia. Hầu hết các đơn hàng đều được xuất đi đều đặn, từ đó giúp doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất, cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Có thể nói, trước tình hình hoa cắt cành đang có nhiều điều kiện thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu, điều này cho thấy xuất khẩu hoa sang thị trường các nước đã được khôi phục, để từng bước đi vào ổn định sản xuất, từ đó tạo tâm lý yên tâm và động lực cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trồng hoa xuất khẩu. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chí khắt khe của thị trường quốc tế, đòi hỏi người trồng hoa phải quan tâm đến vấn đề nhập khẩu giống hoa có bản quyền, tiến hành trồng thử nghiệm, cải thiện quy trình sản xuất, thực hiện đúng quy cách, tiêu chuẩn, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam cũng như các nước nhập khẩu hoa về công tác kiểm dịch thực vật, có như thế hoa Lâm Đồng mới đạt được chất lượng cao, dễ dàng gia nhập vào thị trường xuất khẩu của các nước.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 8.940 trồng hoa các loại, trong đó gần 3.000ha được canh tác theo phương pháp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, có tổng sản lượng đạt 3,4 tỷ cành/ năm. Cùng với việc cung ứng cho thị trường hoa trong nước, trung bình mỗi năm Lâm Đồng xuất khẩu khoảng 300 triệu hoa cắt cành xuất khẩu các loại, chiếm 10% tổng sản lượng hoa toàn tỉnh. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hoa toàn tỉnh ước đạt 53 triệu USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, mặt hàng hoa xuất khẩu các loại chủ yếu là hoa cúc, hoa hồng, ly ly, cẩm chướng, lan hồ điệp, lan vũ nữ…do các doanh nghiệp chủ lực chuyên sản xuất hoa thực hiện như Công ty Đà Lạt Hasfarm, công ty Apolo, công ty Việt Nhật, công ty Xuân Trường, Công ty TNHH Dalat Evergreen với các thị trường xuất khẩu chủ lực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Austraulia, Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Camphuchia, UAE…

Theo đánh giá của ngành chức năng, với tỷ lệ xuất khẩu hoa như hiện nay đang là tín hiệu vui cho các nông hộ và doanh nghiệp trồng hoa theo hướng xuất khẩu. Bởi trong tình hình còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid -19, song ngành hoa xuất khẩu của Lâm Đồng đang trên đà tăng trưởng về mặt sản lượng lẫn giá trị. Điều này cho thấy, hoa xuất khẩu của Lâm Đồng đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu của mình, cũng như gia tăng sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để đứng vững trên thị trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập./.

Tuyết Ngọc
 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,618,378.00