10/29/2019 10:51:00 AM
.

Cà phê arabica đặc sản


(ĐOÀN KIÊN)
       Sau hơn bốn năm được thương hiệu cà phê cao cấp Starbucks (Mỹ) đưa lên kệ tại chuỗi cửa hàng của hãng này, cà phê arabica xuất xứ từ Đà Lạt trở thành loại cà phê đầu tiên trồng tại Việt Nam được Starbucks đưa vào sử dụng trong chuỗi hơn 21.000 quán cà phê nổi tiếng khắp thế giới. Điều gì tạo nên sự khác biệt đã khiến thương hiệu cà phê arabica Đà Lạt hấp dẫn đến vậy?
Từ độ cao 1.500m
       Arabica (cà phê chè) là giống cà phê có giá trị kinh tế cao nhất Việt Nam, được trồng ở nhiều vùng như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Gia Lai... Riêng với dòng arabica trồng ở Đà Lạt được đánh giá có chất lượng hơn hẳn do thổ nhưỡng thuận lợi, biên độ nhiệt, sương, độ cao trên 1.500m so với mực nước biển. Vùng Cầu Đất (xã Xuân Trường) cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 25km về phía Đông Nam. Nhờ sở hữu lợi thế về độ cao và điều kiện khí hậu hoàn hảo, cà phê Cầu Đất cho chất lượng cao. Cà phê arabica từ Cầu Đất nổi bật bởi sự kết hợp của vị chua thanh tao và đắng nhẹ, nước pha màu nâu nhạt, hơi trong của hổ phách, vị chua thanh xen lẫn đắng dịu, kết hợp với mùi thơm đặc trưng, hậu vị ngọt đã đánh thức vị giác của những người sành cà phê từ khắp nơi trên thế giới.

 

Những hạt cà phê arabica trên vùng Cầu Đất

      Có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng cà phê, ông Nông Văn Khánh (thôn Cầu Đất, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) cho biết: “So với nhiều vùng trồng cà phê khác, vào mùa khô người trồng cà phê ở Cầu Đất không quá vất vả bơm tưới nước, do lá và cây hấp thụ một lượng lớn hơi nước từ sương mù về đêm. Nhà vườn ở đây dù không bơm tưới vào những tháng ít mưa nhưng cà phê vẫn ra hoa và kết trái đều, năng suất và chất lượng quả cũng được duy trì ổn định. Ngoài ra, một trong những điểm khác biệt của cà phê Cầu Đất là tới kỳ thu hoạch, các nhà vườn chỉ tiến hành hái tỉa quả chín chứ không hái ồ ạt cả quả xanh, quả già lẫn non. Do vậy, thời gian thu hái cà phê kéo dài, có thể từ tháng 10 năm trước tới tận tháng 2, tháng 3 năm sau”.
     Đưa chúng tôi đi thăm một vòng khu phơi hạt cà phê, ông Nguyễn Song Vũ, chủ doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cà phê bền vững Song Vũ (đóng tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt), chia sẻ: “Sau khi thu hái sẽ được đưa vào máy chà bỏ vỏ để lấy hạt rồi ngâm trong nước khoảng 24 tiếng. Những hạt này sẽ được vớt rửa cho sạch nhớt và phơi khô. Giàn phơi cà phê trong nhà kính luôn đảm bảo vệ sinh, tránh bụi bẩn. Sau khi phơi hạt, người làm bắt đầu công đoạn nhặt hạt thủ công lựa chọn những hạt cà phê có kích thước đều nhau, loại bỏ những hạt đen, hạt bị hư hỏng”.

Khẳng định thương hiệu
       Hai năm trước, sản phẩm cà phê arabica Cầu Đất - Đà Lạt được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu đối với các sản phẩm gồm cà phê nhân, cà phê bột thuộc loại cà phê arabica. Theo phòng Kinh tế TP Đà Lạt, sau khi được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, địa phương đã có những bước chuẩn bị để phát triển diện tích, hỗ trợ thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất cà phê trên địa bàn các xã, phường làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân. Hình thành chuỗi liên kết trong ngành cà phê; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp chủ động tạm trữ cà phê, tham gia điều tiết cung cầu trên thị trường. Đảm bảo 100% cà phê được phơi, sấy đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; nâng tỷ lệ chế biến ướt đạt 100% sản lượng đến năm 2020.
     Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, toàn TP Đà Lạt hiện có hơn 3.500 ha cà phê arabica, sản lượng gần 11.000 tấn/năm. Ông Võ Văn Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay từ năm 2013 Trung tâm đã triển khai mô hình 4C (sản xuất cà phê sạch bền vững) theo phương thức liên kết trên diện tích 15 ha tại TP Đà Lạt. Khi tham gia mô hình này, người nông dân sẽ phải tuân thủ những điều khoản bắt buộc như quy trình chăm sóc, sản phẩm sau này ra thị trường sẽ dễ dàng truy được nguồn gốc, bù lại năng suất, chất lượng, thu nhập cao hơn trên cùng đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, khi đã có cơ sở pháp lý, tổ liên kết được cấp thương hiệu, sẽ thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn phát triển, ký kết các đơn hàng lớn.


   Du khách nước ngoài tìm hiểu cà phê arabica dưới chân núi Langbiang

     Nếu muốn giá trị bền vững, hơn ai hết người nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam phải làm ăn trung thực, giữ chất lượng sản phẩm sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn phía đối tác đặt ra. Khi Starbucks đưa sản phẩm cà phê arabica Đà Lạt bán tại các chuỗi cửa hàng thì trước đó họ đã có những phân tích, đánh giá rất kỹ lưỡng, đây là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức đối với cà phê arabica Đà Lạt thâm nhập thị trường cà phê cao cấp. "Khi vào chuỗi cửa hàng của Starbucks, cà phê arabica Đà Lạt đã rang được bán với giá khoảng 50 USD/kg (hơn 2 triệu đồng). Chính vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển nhiều mô hình liên kết trồng cà phê sạch, qua đó giúp người nông dân gia tăng lợi nhuận, nhưng hơn cả là giúp cà phê arabica Đà Lạt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường", ông Võ Văn Lập chia sẻ.
      Rộng hơn, những năm qua thương hiệu cà phê arabica tại Lâm Đồng được nhiều đơn vị, cá nhân chung sức gây dựng, trong đó phải kể đến như: HTX Công Bằng (Xuân Trường), Trường Sơn (Xuân Trường), Đất Làng (Xuân Trường), Trường Gia Phát (Trạm Hành); Công ty TNHH cà phê Arabica Cầu Đất Phú Vinh (Xuân Thọ), Hào Nhất (Trạm Hành), cà phê nguyên chất Thái Châu (Phường 8, Đà Lạt), cà phê chồn Trại Hầm Đà Lạt (Phường 10, Đà Lạt), VOCO (Phường 6, Đà Lạt)… Trong dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 7 năm 2017, có 20 công ty, doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh cà phê Arabica được UBND tỉnh trao tặng biểu trưng thương hiệu “Đà Lạt –Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trong tổng số 125 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đây là tiền đề và cũng là động lực để cà phê arabica Đà Lạt tiếp tục trình làng thế giới.
 
          Box: Tháng 7-2015, hãng cà phê Starbucks (là một hàng cà phê nổi tiếng của Hoa Kỳ với hơn 21.000 cửa hàng trên toàn thế giới) lần đầu tiên ra mắt sản phẩm Starbucks Reserve Việt Nam Đà Lạt tại một số cửa hàng chọn lọc tại Mỹ và vài nước khác. Ngày 4-1-2016, sản phẩm này được ra mắt ở tất cả cửa hàng Starbucks tại Việt Nam. Cà phê “Reserve Vietnam Đà Lạt” một lần nữa quay trở lại và có mặt tại tất cả các cửa hàng Starbucks Việt Nam từ đầu năm 2018 với số lượng giới hạn. Đây chính là sản phẩm cà phê Arabica được trồng tại Cầu Đất (Đà Lạt) mà Starbucks thu mua, sau đó được chuyển về nhà máy rang xay của Starbucks tại Mỹ và trở thành sản phẩm cà phê Việt Nam đầu tiên trong hệ thống phân phối của Starbucks.
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:3,420,281.00