Phải khẳng định rằng, Đà Lạt không phải là địa phương sản xuất cà phê nhiều nhất nước hay nhất tỉnh, nhưng lại là vùng đất được coi là “thiên đường” của cà phê Arabica, loại cà phê đặc sản được người sành cà phê yêu thích vì hương vị thơm, ngon. Đó là vì Đà Lạt có độ cao lý tưởng (1.500 m so với mặt nước biển), khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, phù hợp để phát triển loại cà phê đặc sản Arabica này. Tuy nhiên, có lẽ “cú hích” lớn đã giúp quảng cáo thương hiệu cà phê Arabica Đà Lạt đó chính là sự kiện loại cà phê này ở Cầu Đất đã được Starbucks (Mỹ) tuyển chọn, thu mua từ 150 hộ nông dân nhỏ lẻ và chế biến đưa ra thị trường quốc tế. Hãng sau khi chế biến đã công nhận cà phê Cầu Đất là một trong bảy loại cà phê Arabica ngon nhất thế giới, được hãng chọn là một trong bảy loại cà phê dùng để giao dịch trên thế giới và đã được bày bán tại 21.000 cửa hàng của hãng trên toàn cầu. Đặc biệt, sản phẩm này chỉ độc quyền một hương vị cà phê Arabica của Cầu Đất, Đà Lạt mà không phải pha trộn với các vùng khác.
Và ngay sau khi có thông tin tập đoàn Starbucks đưa cà phê Đà Lạt vào hệ thống của mình trên toàn cầu, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch phấn đấu phát triển loại cà phê này với mục tiêu đưa Đà Lạt trở thành một vùng sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Định hướng này góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy các doanh nghiệp và người dân phát triển thương hiệu cà phê đặc sản Arabica.
Thực tế thì cho đến nay, nông dân Đà Lạt đã có những thay đổi lớn về tư duy sản xuất, chế biến cà phê. Thay vì chú trọng đến sản lượng, thì chất lượng cà phê đã được nông dân vùng Cầu Đất nói riêng, Đà Lạt nói chung đặt lên hàng đầu. Mục tiêu của họ là sản xuất ra loại cà phê ngon, chất lượng để xuất khẩu, hoặc bán được cho các công ty lớn với giá cao. Vì vậy mà phong trào sản xuất cà phê sạch, bền vững, chú trọng chất lượng đã trở thành xu thế ở Đà Lạt những năm gần đây. Và xu thế này cũng có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn. Suốt gần chục năm qua, những ai quan tâm có thể thấy rằng, ở Đà Lạt xuất hiện ngày càng nhiều những công ty, doanh nghiệp lớn, nhỏ không chỉ tổ chức thu mua, chế biến, bán cà phê Arabica mà họ còn tạo ra được một xu hướng sử dụng, thưởng thức cà phê Arabica Đà Lạt.
Thông qua các buổi giới thiệu về xu hướng thưởng thức cà phê, cách thức rang xay, chế biến thô, cách pha chế cà phê, sử dụng cà phê,… những công ty tạo ra được làn sóng uống, thưởng thức cà phê Arabica sạch, chuẩn hương vị và từ đó cũng góp phần thúc đẩy nông dân trồng cà phê ngày càng chú trọng đến việc sản xuất cà phê đặc sản sạch. Có thể kể ra những cái tên đi đầu như: Là Việt, The Married Beans… Các doanh nghiệp này tuy không phải là những doanh nghiệp lớn trong ngành cà phê ở Việt Nam, nhưng họ đã rất thành công trong việc thúc đẩy người trồng và người tiêu dùng hiểu đúng về cà phê sạch, cà phê chất lượng cao. Sự ra đời của các công ty này và những hoạt động của họ đã góp phần gia tăng giá trị cho thương hiệu cà phê Arabica của Đà Lạt. Lớn hơn nữa, là qua các hoạt động liên kết với các hộ nông dân, họ đã góp phần vào việc thay đổi thói quen canh tác, thu hoạch, sơ chế cũ kỹ, lạc hậu làm ảnh hưởng đến chất lượng của cà phê của người dân.
Các công ty liên kết với các hộ nông dân, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hái chín, sơ chế… Bên cạnh đó, còn liên kết với các tập đoàn thu mua cà phê lớn trên thế giới để tổ chức các cuộc thi chất lượng cà phê để thúc đẩy xuất khẩu, các buổi hội thảo về trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến cà phê… Các hoạt động này đã có tác động rất lớn đến nhận thức của người dân.
http://baolamdong.vn/