1/15/2018 10:39:00 AM
.

Liên kết thu mua đặc sản trái cây Ðan Phượng


 Vừa mới thành lập nhưng Hợp tác xã (HTX) Trái cây Bốn Mùa (xã Ðan Phượng, Lâm Hà) đã liên kết với các thành viên hộ nông dân trên địa bàn trồng trái cây VietGAP bán ra thị trường. Từ đây nâng cao giá trị trái cây đặc trưng của xã Ðan Phượng.

Sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP tạo thương hiệu cho HTX trái cây Bốn Mùa.
Ảnh: H.Y
 

Ðưa sản phẩm tốt ra thị trường 
 
Đầu tháng 11/2017, HTX Trái cây Bốn Mùa được thành lập có 7 thành viên tham gia với diện tích 50 ha, trong đó có 36,7 ha cam Đường Canh, xoài, bưởi, bơ, sầu riêng đạt chuẩn VietGAP. Quy trình sản xuất được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn và yêu cầu của Chương trình VietGAP: sản xuất có sổ theo dõi rõ ràng, cách viết nhật ký theo quy trình, vẽ sơ đồ nhà vườn; Nông dân được tham gia các lớp tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly đảm bảo không tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sau thu hoạch. Anh Trần Mạnh Chiến - Giám đốc HTX Trái cây Bốn Mùa cho biết, cũng giống như những gia đình khác, gia đình chiến trồng cà phê, nhưng cà phê già cỗi năng suất thấp. Đến năm 2003, khi còn đang học THPT, cứ hết giờ học ở trường là anh lại lên rẫy phụ cùng bố mẹ san lấp, cải tạo và đào hố trồng cây... Bao nhiêu vốn liếng của gia đình, cộng với 50 triệu đồng tiền vay của ngân hàng được đầu tư vào trồng cam Đường Canh, cam Vinh,... Ban đầu, khi mới bắt tay vào trồng loại cây khó tính này, do chưa có kỹ thuật chăm sóc  nên vườn cây của gia đình anh Chiến không đạt hiệu quả, những cây cam quả to, bộp và liên tục mất mùa.
 
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh ngành Lịch sử, anh Trần Mạnh tiếp tục học cao học và có việc làm ổn định ở thành phố, nhưng anh lại quyết định về quê lập nghiệp trên chính quê hương của mình vào năm 2011. Thông qua các lớp tập huấn, dịp tham quan thực tế các mô hình, vườn cây ăn quả có múi ở trong và ngoài huyện do Huyện Đoàn, Tỉnh Đoàn tổ chức anh đã từng bước ứng dụng thực tế vào vườn cây ăn quả của gia đình. Với tinh thần ham học hỏi, cần cù, chịu khó, nhận thấy lợi thế đất quê mình hợp với cây cam, ban đầu chỉ trồng xen cam với cà phê, sau đó anh chuyển dần diện tích cà phê sang trồng cam, nâng cao thu nhập. 
 
Từ hơn 500 gốc cam ban đầu, hiện nay anh Chiến đã sở hữu trên 4 ha cam, chủ yếu với các giống như cam Ðường Canh, cam Vinh… theo chuẩn VietGAP. 
 
Nhờ những vụ cam được mùa, anh Chiến mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Trái cây Bốn Mùa chuyên sản xuất trái cây VietGAP bao gồm: xoài, bưởi, cam Đường Canh, sầu riêng… những sản phẩm này đều được chứng nhận là sản phẩm tốt trên thị trường. 
 
Gắn tem truy xuất nguồn gốc
 
Bắt đầu từ vụ thu hoạch năm nay, toàn bộ cam, bưởi, sầu riêng, xoài… của HTX Trái cây Bốn Mùa khi được bán ra thị trường đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Trên mỗi sản phẩm đều thể hiện rất rõ đặc trưng của loại quả, nơi sản xuất, thậm chí đến từng hộ, trên trang web có hình ảnh, nơi sản xuất, ngày sản xuất, video... Anh  Phạm Ngọc Thanh, thôn Nhân Hòa chia sẻ, gia đình tôi đã trồng 1 ha cam Đường Canh được hơn 4 năm nay. Trước kia khi tham gia HTX gia đình tôi phải tự tìm mối tiêu thụ nên thường xuyên bị thương lái ép giá và giá cả rất bấp bênh. Tuy nhiên, từ khi vào HTX và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, người tiêu dùng càng yên tâm hơn khi biết được nguồn gốc xuất xứ của loại trái cây họ ăn. Người nông dân rất phấn khởi vì không bị đánh đồng với nhiều loại trái cây Trung Quốc.
 
Anh Trần Mạnh Chiến tự hào nói: “Hợp tác xã đạt chuẩn VietGAP là niềm vinh dự cho hợp tác cũng như toàn thể thành viên của hợp tác. Đây là cơ hội cho trái cây Đan Phượng khẳng định được chất lượng của mình trên thị trường và trong lòng của người tiêu dùng. Kể từ đây, trái cây Đan Phượng có được thương hiệu hẳn hoi, được đo lường chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh với các loại trái cây khác trong nước và bên ngoài nhập vào, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định. Đồng thời, tránh được điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa”. 
 
Ông Nguyễn Minh Toản, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết: HTX Trái cây Bốn Mùa tuy mới vừa thành lập, xong cho thấy hiệu quả mang lại rất lớn, không những là cầu nối tiêu thụ trái cây của nông dân mà từ đây giúp Đan Phượng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng chuyên trồng trái cây của huyện Lâm Hà. Tuy nhiên, để giữ được thương hiệu trái cây Đan Phượng trên thị trường, vấn đề đặt ra ở đây là phải sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn VietGAP. Đồng thời, khoa học phải trở thành quy tắc, thói quen sản xuất của người nông dân, không nên cố gắng thực hiện ở một thời điểm nào đó để được chứng nhận rồi đâu lại vào đó. Việc gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm trái cây càng giúp cho nông sản Đan Phượng nâng cao giá trị thương hiệu trên thị trường.     

(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:3,420,736.00