11/29/2019 9:15:00 AM
.

Specialty Coffee, hướng đi mới của cà phê Lâm Đồng


Specialty Coffee được đánh giá là những hạt cà phê thơm ngon nhất và cũng có giá bán cao ngất ngưởng. Đây cũng đang là xu hướng được nhiều nông dân và doanh nghiệp Lâm Đồng đang hướng tới.


  Typica, một giống cà phê đặc sản quý hiếm đang được nhiều nông dân Đà Lạt bảo tồn và nhân rộng.
Ảnh: H.Sa


Cà phê đặc sản

Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi theo chân Đào Lợi, chàng thanh niên sinh năm 1989, hiện đang là một cán bộ khuyến nông Phường 11 đi thăm cà phê trên những ngọn đồi cao hơn 1.500 m. Rồ ga bò lên những cung đường hiểm trở, Lợi cầm chắc tay lái đi trước dẫn đường, lách qua vài khúc cua tay áo. Hành trình lưu giữ và chắt chiu từng trái cà phê của gia đình Lợi như một cuộc thám hiểm núi rừng, mà đích đến là rẫy cà phê Typica thuần chủng được trồng thuần, còn sót lại gần như duy nhất với diện tích chừng vài ha tại Trại Mát, TP Đà Lạt.

Đã thuộc nằm lòng từng gốc Typica cổ thụ, Lợi xắn tay áo lao phăng phăng đến dưới gốc cây, vạch từng tán lá khoe những chùm quả căng mọng. Như một thói quen, những trái cà phê căng mọng đầu mùa được Lợi hái xuống, đặt vào lòng bàn tay rồi giới thiệu tận tình cho khách về thứ cà phê tinh túy mà đất trời Đà Lạt đã ban tặng. Thậm chí, những quả chín mọng được Lợi cho vào miệng, thử ngon lành, rồi tấm tắc khen “ngọt như đường”.

Để làm ra loại cà phê đặc sản này, ngoài điều kiện tự nhiên, người nông dân phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất từ chăm sóc, thu hái, đến sơ chế, bảo quản sản phẩm. Không tuốt cả cành một lần như nông dân, Lợi chia thành nhiều đợt để hái từng trái chín và chỉ lựa những trái chắc hạt. Chính vì thế, chàng trai này chỉ gom về được một lượng cà phê ít ỏi độ hơn trăm ký từ mỗi đợt thu hái. Đổi lại, với mỗi kg cà phê lụa Typica, Lợi được các công ty ký kết hợp đồng bao tiêu thu mua với giá lên đến 150.000 đ/kg.

Ngoài Trại Mát, một số nơi của vùng Cầu Đất, nhiều nông dân cũng đã bắt đầu ra sức bảo tồn và nhân rộng các giống cà phê quý đặc sản này như một thứ tinh hoa của đất rừng Đà Lạt.

Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: “Lâm Đồng xác định 4 vùng cà phê đặc sản Robusta và Arabica”

Sau 5 năm tái canh, cà phê Lâm Đồng đạt năng suất 31,3 tạ/ha. Đến nay đã tái canh 54.000 ha cà phê. Cà phê đặc sản qua thực tiễn sản xuất ở Lâm Đồng xác định từ 6 yêu cầu: vùng sinh thái là yếu tố bất biến; thổ nhưỡng tạo hương vị khác biệt; nguồn giống quy định chất lượng, tính chống chịu biến đổi khí hậu vừa tự nhiên, vừa tác động công nghệ; kỹ thuật canh tác bền vững, sinh học; yêu cầu thu hái tỷ lệ trái chín hơn 99%; đảm bảo địa lý xuất xứ canh tác để tránh gian lận thương mại. 4 nội hàm cà phê đặc sản: giống năng suất và chất lượng, trồng vùng thổ nhưỡng sinh thái đặc trưng, canh tác bền vững, tiêu chuẩn chất lượng thế giới.


Hướng đi mới đầy tiềm năng

Theo Hiệp hội Cà phê Đặc sản Thế giới (Specialty Coffee Association - SCA), cà phê cần đạt từ 80/100 điểm trở lên để được xếp vào “Specialty Coffee”. Thang điểm này được SCA xây dựng dựa trên những yếu tố vô cùng chi tiết và khắt khe để đảm bảo chất lượng và hương vị thơm ngon trong cà phê.

Tại Lâm Đồng, xu hướng sản xuất cà phê đặc sản đang được nhiều nông dân và doanh nghiệp Lâm Đồng hướng tới. Riêng trong năm 2019, Lâm Đồng có 6 đơn vị tham gia Cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2019”, trong đó, có 2 đơn vị và 3 mẫu được công nhận đạt chất lượng cao nhất của cuộc thi với các dòng sản phẩm cà phê Robusta Honeyed Natural; Arabica Yellow Bourbon và Arabica Catimor. Đây là những giống cà phê rất quen thuộc và là thế mạnh của Lâm Đồng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cà phê được chia thành nhiều phân khúc từ hàng cao cấp, trung cấp đến bình dân. Trong đó, “Specialty” được xem là tiêu chuẩn cao nhất với thị phần cà phê đặc sản chiếm chưa tới 2% tổng sản lượng cà phê toàn cầu, nhưng giá trị kinh tế mang lại luôn cao gấp từ 3-5 lần so với cà phê thông thường. Đặc biệt, tại Đà Lạt, những giống cà phê Moka thuần chuẩn như Tybica, Bourbon, Caturra hay giống Pacamara được trồng tại các trang trại theo phương thức hữu cơ có giá bán lên đến triệu đồng/kg nhân.

Ông Lại Thế Hưng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để được coi là “Specialty”, những hạt cà phê phải trải qua quá trình đánh giá vô cùng nghiêm ngặt. Khó có thể dịch Specialty Coffee sang tiếng Việt một cách sát nghĩa nhất, vì nó không đơn thuần là cà phê đặc sản, cũng không phải là một loại cà phê nào đó có chất lượng tuyệt vời, mà bao hàm nhiều yếu tố trong suốt chuỗi cung ứng cà phê, như một phạm trù với đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật khiến cho mỗi thành viên trong chuỗi đều đóng vai trò quan trọng.

Và, để làm ra cà phê đặc sản này, ngoài điều kiện tự nhiên, người nông dân phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất từ chăm sóc, thu hái, đến sơ chế, bảo quản sản phẩm. Đổi lại, giá cả được doanh nghiệp thu mua rất cao. Trong bối cảnh sản xuất cà phê hiện nay, bên cạnh việc tập trung tái canh trên những diện tích sản xuất già cỗi thì việc lựa chọn phát triển cà phê đặc sản là một hướng đi rất giàu tiềm năng cho người nông dân, ông Hưng nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Văn Ẩn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Dalata cho rằng: Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng là vùng đất cà phê ngon nổi tiếng, tuy nhiên cần có thêm nhiều đơn vị chế biến sâu, chế biến chất lượng các dòng cà phê đặc sản. Muốn làm như vậy thì doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ với người nông dân, bắt đầu ở khâu lựa chọn giống đến quy trình sản xuất từ chăm sóc, thu hái, đến sơ chế, bảo quản sản phẩm.

Riêng Dalata, từ năm 2016 công ty đã xây dựng lại thương hiệu Moka Cầu Đất với mục tiêu khôi phục lại loại cây trồng đặc sản có một không hai ở Việt Nam. Công ty bắt tay với hàng chục hộ nông dân của Hợp tác xã Khải Hoàn xây dựng vùng nguyên liệu bằng cách ghép từ những cây Moka đầu dòng trên diện tích 7 ha của xã viên, dự kiến cuối năm nay tăng thêm 3 ha. Đồng thời tài trợ giống cùng với sự đảm bảo về kỹ thuật của Hợp tác xã Khải Hoàn.

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:2,618,816.00